Cùng với Đại Việt sử kí toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Việt sử kí tiền biên (ĐVSKTB) là một trong ba bộ quốc sử lớn của nước ta còn lại đến ngày nay. Sau Đại Việt sử kí toàn thư khắc in và công bố vào năm Đinh Sửu niên hiệu Chính Hoà thứ 18, triều Lê Hi Tông (1697), ĐVSKTB là bộ quốc sử thứ hai được khắc in trong ba năm Mậu Ngọ, Kỉ Mùi, Canh Thân, hoàn thành vào năm Canh Thân, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ tám (1800) triều Tây Sơn. Bộ sử 17 tập này được Sử quán triều Tây Sơn cho khắc in trên cơ sở công trình biên soạn của sử gia Ngô Thì Sĩ, được con ông là Ngô Thì Nhậm tu đính, thực sự là một thành tựu quan trọng về sử học của vương triều tiến bộ nhưng quá ngắn ngủi ấy. Tác giả Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780) là một nhà thơ, nhà văn, nhà sử học, nhà văn hoá lớn của nước ta ở thế kỉ XVIII, mà các tác phẩm cũng như công trình biên khảo đều toát lên một tinh thần yêu nước nồng nàn, đồng thời cũng thể hiện một trình độ học vấn uyên bác, một thái độ trị học nghiêm túc, giàu tinh thần phê phán. Trên phương diện sử học, ĐVSKTB cũng như Việt sử tiêu án của ông đều là những công trình như vậy. Con ông, Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803) - người biên tập và tu đính văn bản - là một tri thức lớn, sáng suốt và nhạy bén, đã sớm tham gia phong trào Tây Sơn, cộng tác đắc lực và trung thành với Quang Trung Nguyễn Huệ, đồng thời đã cống hiến cho văn hoá nước nhà nhiều công trình sáng giá: Hàn các anh hoa, Hi Doãn thi văn tập, Bang giao hảo thoại, Xuân Thu quản kiến, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh… ĐVSKTB, về phương diện sử liệu, căn bản dựa theo Đại Việt sử kí toàn thư, nhưng giá trị chủ yếu là ở những bình luận sắc sảo và những vấn đề tác giả nêu lên để đính chính hoặc đánh giá lại. Từ cách xếp Triệu Đà thành "Kỉ ngoại thuộc Triệu Vũ đế" đến việc không đặt Sĩ Nhiếp thành một kỉ riêng, không gọi Sĩ Nhiếp là Sĩ vương , tác giả đều tỏ rõ quan điểm độc lập của mình. Tính chất sử luận đậm nét trong ngót năm trăm "lời bàn" của các sử gia nổi tiếng đời trước như Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Lê Tung, Ngô Sĩ Liên và của chính tác giả, ở đó toát lên lòng tự hào dân tộc và lòng yêu nước sâu sắc. Ngày nay đọc lại, chẳng hạn, đoạn bình luận về Hai Bà Trưng, lập luận chặt chẽ mà sắc bén, văn phong súc tích giàu chất trữ tình còn khiến ta xúc động và cảm phục: "Không gì khó thu phục bằng nhân tâm, không gì khó nắm vững hơn thế nước. Nhưng điều khó hơn nữa là đàn bà mà tập hợp được cả dân chúng trai tráng làm đồng chí. Nước ta bị nội thuộc đã lâu, sự phục tòng pháp chế của ta đã quen, người Trung Hoa cho là yên, rất coi thường cách cai trị của các quan tướng họ. Những điều oán hận chất thành gò, họ gạt đi cho là tâm địa trẻ con, thường khi nghĩ đến chuyện nổi dậy thì họ cho là phương Nam không phải đất dụng võ mà người thì nhút nhát. Lại chính lúc nhà Hán vừa trung hưng, đông đảo người chí dũng, ai dám đưa chút thân hèn mọn chạm vào cơn tức giận của hùm beo. Thế mà Bà Trưng là đàn bà goá búi cao mớ tóc, trai tráng trong nước đều cúi đầu nghe bà chỉ huy, những người lớn ở năm mươi mấy thành cũng phải nín hơi không dám trái lệnh. Lưu Văn từng diệt được quần hùng, chống nổi đại địch, lại được quyền họp binh sai tướng, cấp đủ xe thuyền lương thực, thế mà phải ăn trưa ngủ muộn, dốc cả vào việc cơ mưu. Mã Phục Ba từng làm cỏ nước Tiên Linh, phá tan đất Tam Lang một cách dễ dàng, thế mà khi sang đóng đồn ở Lãng Bạc phải náu quân gò ngựa đi chậm, giấu xe dưới chằm, bụng lo rầu ngay ngáy, miệng nói năng dè dặt. Tiếng tăm của Hai Bà chấn động cả Di Hạ, cơ nghiệp của Hai Bà dọc ngang khắp trời. Ôi, anh hùng quá!"
Nhận xét đánh giá