-
174/3 Điện Biên Phủ, P17, Bình Thạnh, TP. HCM
- Hotline: 028 66 832 872
174/3 Điện Biên Phủ, P17, Bình Thạnh, TP. HCM
Sách tri thức và học thuật
Giao hàng trên toàn quốc
Sưu tầm sách quý, sách cổ
Ấn bản bìa mềm, bìa cứng, bìa da
Eichmann ở Jerusalem
Tác giả: Hannah Arendt
Dịch giả: Hiếu Tân
Hiệu đính: Bùi Văn Nam Sơn
Nhà xuất bản: Tri Thức
Kích thước:
Số trang:
Loại bìa: Bìa cứng
Eichmann ở Jerusalem
Ký sự pháp đình: Một phóng sự về sự thầm thường của Cái Ác.
Hannah Arendt sinh ra trong một gia đình Do Thái ở Hanover, Đức. Bà từng theo học triết học với hai bậc thầy triết học vĩ đại nhất của nước Đức trong thế kỷ 20- Heidegger và Karl Jaspers. Bà cũng từng là người yêu của Heidegger-cha đẻ của chủ nghĩa hiện sinh- trong một thời gian dài. Năm 1941, trước sự khủng bố người Do Thái của phát xít Đức, Arendt trốn thoát sang Mỹ. Bà nhập quốc tịch Mỹ năm 1950, tham gia giảng bài ở nhiều trường đại học danh tiếng và là nữ giáo sư chính (full professor) đầu tiên ở Princeton vào năm 1959. Năm 1961, nhận lời của tạp chí New Yorker, bà sang Israel theo dõi phiên tòa ở Jerusalem xử tên trung tá SS Adolf Eichmann- một trong những kẻ phải chịu trách nhiệm chính cho thảm họa Holocaust của người Do Thái ở châu Âu. Eichmann tham gia lập kế hoạch và người trực tiếp chỉ đạo việc bắt nhốt người Do Thái trong các trại tập trung cũng như đưa họ vào các lò thiêu người. Các bài viết của bà trên tạp chí New Yorker về phiên tòa này sau đó được tập hợp và bổ sung thành tác phẩm “Eichmann ở Jerusalem – Ký sự pháp đình: Một phóng sự về sự tầm thường của Cái Ác”, xuất bản năm 1963. Tác phẩm này nhanh chóng trở thành kinh điển và là một kiệt tác chính trị-đạo đức học trong thế kỷ 20
Chúng ta vẫn quen nghĩ rằng cái ác là một cái gì đó thật ghê gớm và những kẻ phạm tội ác là những kẻ khác xa với người bình thường. Nhưng trong tác phẩm của mình, Hannah Arendt lý giải hành động của Eichmann không phải do những thú tính, cũng không phải do sự cuồng tín vào lý tưởng Quốc xã hay chủ nghĩa bài Do Thái. Eichmann chưa bao giờ tỏ ra ghét người Do Thái, thậm chí còn có một số bạn bè là người Do Thái. Y tham gia SS hoàn toàn là một sự tình cờ và để có việc làm chứ không phải do lý tưởng Quốc xã. Về khía cạnh tâm lý, trong phiên tòa, chính phủ Israel đã cử sáu chuyên gia tâm lý tìm hiểu về Eichmann và họ đều không tìm thấy bất cứ một trục trặc tâm lý nào, dù là nhỏ nhất, ở kẻ được mệnh danh là “tên đồ tể của châu Âu” này. Dựa trên những chứng cứ thu thập về cuộc đời của Eichmann, Hannah Arend nhận thấy động cơ duy nhất của tên sát nhân này chỉ là muốn thăng tiến trong công việc. Y không hề cảm thấy cắn rứt lương tâm khi làm điều ác vì y cho rằng y chỉ làm đúng và làm tốt những gì mà cấp trên giao phó và luật pháp cho phép. Theo Eichmann, y không phải chịu trách nhiệm gì vì không những y chỉ tuân thủ mệnh lệnh cấp trên mà y còn làm đúng theo tinh thần luật pháp nước Đức lúc đó. Nói tóm lại, kẻ giết sáu triệu người Do Thái tỏ ra là một công dân Đức bình thường, một người nếu trong hoàn cảnh khác rất có thể sẽ là một nhà kinh doanh năng nổ hay một công chức tuân thủ pháp luật, một người chồng, người cha tốt, người hàng xóm thân thiện.
Từ trường hợp Eichmann, Hannah Arendt viết về “sự tầm thường của cái ác”. Bà bác bỏ một luận điểm phổ biến thời đó (và có lẽ cả bây giờ) rằng những tên tội phạm Quốc xã là những kẻ bất bình thường tâm lý và khác biệt với những người bình thường. Theo bà, tội ác của Eichmann, cũng như của rất nhiều tên tội phạm Quốc xã khác, bắt nguồn từ sự mù quáng tuân thủ mệnh lệnh và những điều luật vô đạo đức của một chính thể vô đạo đức. Tội ác đó càng trở nên trầm trọng hơn bởi sự khuyến khích từ dư luận phổ biến trong xã hội đó và sự đồng phạm của những người xung quanh y. Eichmann từng thú nhận, y cảm thấy nhẹ cả người như Pontius Pilate (tổng trấn La Mã ở Jerusalem) sau khi rửa tay (rửa tay phủi bỏ trách nhiệm sau khi giao Jesus cho người Do Thái đóng đinh), khi chứng kiến việc những thành viên có vị thế trong xã hội đều nhiệt tình hưởng ứng Giải pháp Cuối cùng cho vấn đề Do Thái của Hitler. Cái gốc của tội lỗi đó, chính là ở việc nhân danh một thể chế quyền lực trên cao (luật pháp, cấp trên), Eichmann đã đánh mất khả năng lựa chọn và chịu trách nhiệm đạo đức cá nhân với các hành động của mình, đánh mất sự tưởng tượng, đặt mình vào địa vị những nạn nhân và tự đối thoại với bản thân. Với Eichmann, việc đưa người Do Thái vào các lò thiêu người cũng không khác gì các công việc bàn giấy quan liêu khác mà y phải thực hiện.
Nguồn: linhblogger
------
"..việc Eichmann không thể nói năng mạch lạc trước tòa có liên hệ với việc hắn không thể suy nghĩ, hay không thể nghĩ từ góc nhìn của người khác. Sự nông cạn của hắn không hề đồng nhất với sự ngu dốt. Hắn không phải là hiện thân của lòng căm hờn, hoặc rồ dại, cũng không phải cơn khát máu khôn nguôi, mà là một cải gì tôi tệ hơn nhiều, bản chất phi nhân của bản thân cái ác Nazi, bên trong một hệ thống đóng kín do một lũ kẻ cướp bệnh hoạn điều khiển, nhằm triệt phá nhân cách của các nạn nhân của chúng. Bọn Nazi đã thành công trong việc lật ngược trật tự pháp luật, lấy cải xấu cải ác làm nền tảng của một sự "công chính" mới. Trong Đệ tam Đế chế (Third Reich) cái ác mất đi đặc tính riêng biệt của nó mà cho đến lúc ấy mọi người vẫn nhận ra. Bọn Nazi đã định nghĩa lại nó như một tiêu chuẩn công dân. Cái tốt thông thường trở thành một cảm dỗ đơn thuần mà hầu hết người Đức đã nhanh chóng học cách cưỡng lại. Trong cái thế giới lộn ngược này Eichmann (có lẽ giống như Pol Pot bốn thập niên sau) dường như không hề ý thức được rằng hắn đã làm điều ác..."
AMOS ELON - Lời giới thiệu cuốn Eichmann in Jerusalem
Nhận xét đánh giá