Đông Nam Á là một khu vực văn hóa với đặc trưng “thống nhất trong đa dạng”. Nhìn về mặt địa - sinh thái, Đông Nam Á có “hệ sinh thái phổ tạp” rất đặc trưng của khu vực có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, điều này tạo nên yếu tố văn hóa/ văn minh rất đặc trưng - “văn hóa/ văn minh nông nghiệp lúa nước”, kéo theo đó các yếu tố tín ngưỡng nông nghiệp rất đặc trưng. Đây là yếu tố mang tính phổ quát cho cả khu vực và là nền tảng tạo nên tính cách “thống nhất" trong văn hóa Đông Nam Á. Tuy nhiên, Đông Nam Á cũng là khu vực có nhiều cảnh quan tự nhiên tạo nên sự đa dạng về mặt địa - sinh thái, đồng thời khu vực này cũng rất đa dạng về mặt văn hóa, nhất là đa dạng về yếu tố tôn giáo và tộc người.
Khu vực này có một nền văn minh cổ đại khu biệt với nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ. Đó là nền văn minh lúa nước có nguồn gốc bản địa với những đặc trưng văn hoá tộc người. Đông Nam Á là một trong những cái nôi của loài người, có một nền văn minh nông nghiệp rất sớm và xán lạn. Điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh lịch sử và lao động cần cù của con người, trước hết là của hàng triệu người dân Đông Nam Á đã tạo ra nền văn minh đó. Tuy nhiên, mỗi một quốc gia, dân tộc lại có những hoàn cảnh lịch sử khác nhau, có những đặc trưng văn hoá khác nhau, trên cùng một cơ tầng văn hoá bản địa chung.
Nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản về văn hoá Đông Nam Á, nhất là văn hoá các quốc gia trong khu vực cho sinh viên chuyên ngành văn hoá, cũng như các chuyên ngành khác như Du lịch, Việt Nam học, Đông Nam Á Lịch sử... chúng tôi đã biên soạn "Giáo trình Văn hóa các nước Đông Nam Á". Với cách tiếp cận là đặt văn hoá các quốc gia Đông Nam Á trong cái nhìn tổng thể khu vực để từ đó người học có thể nắm rõ được những đặc trưng cơ bản văn hoá từng quốc gia và thấy được những điểm chung của văn hoá quốc gia với văn hoá khu vực. Người đọc có thể hiểu được tính chất “thông nhất trong đa dạng” của văn hoá Đông Nam Á. Đồng thời, người học cũng có thể so sánh những điểm tương đồng và khu biệt giữa văn hoá Việt Nam với văn hoá khu vực, từ đó giúp cho chúng ta có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn đối với Đông Nam Á, góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập của đất nước với khu vực.
Trong cuốn giáo trình này , chúng tôi phân chia thành các nội dung chính (tương đương với các phần) như sau:
Phần I : Những vấn đề chung
Phần II : Văn hoá các quốc gia Đông Nam Á lục địa
Phần III : Văn hoá các quốc gia Đông Nam Á hải đảo
Phần IV : Những vấn đề tổng luận
Nhận xét đánh giá