“Sử thi là di sản, tài nguyên văn hóa, nguồn lực tri thức của một dân tộc hay cộng đồng dân tộc, phản ánh thế giới tự nhiên, quy luật vận động của tự nhiên, đời sống xã hội, huyền thoại lịch sử bằng những diễn kể chân thực, sinh động. Sử thi thể hiện những triết luận về cuộc sống, trình độ phát triển của một nền văn hóa và khát vọng vươn tới các giá trị cao đẹp của con người”.
GS.TS.NGƯT. Nguyễn Văn Kim
Lịch sử đã lùi xa nhưng các di sản của văn hóa Tây Nguyên vẫn còn đó. Không gian văn hóa Tây Nguyên vẫn vang ngân tiếng đàn đá, các dàn cồng chiêng vẫn hòa nhịp với âm hưởng của núi rừng, rượu cần trong các ché cổ vẫn thấm, vẫn ngấm say lòng người. Chiều sâu văn hóa của đất và người Tây Nguyên đã và đang là động lực phát triển, là nguồn động năng lớn cuốn hút những tấm lòng, trí tuệ gần xa đến với “Miền đất huyền ảo” Cao Nguyên.
Với cách tiếp cận liên ngành và khu vực học, cuốn sách “Huyền thoại về một vùng đất - Không gian văn hóa Tây Nguyên qua sử thi Ê-đê” của GS.TS.NGƯT. Nguyễn Văn Kim tham góp một góc nhìn mới về văn hóa và con người Tây Nguyên. Trong công trình nghiên cứu này, tác giả đã đã dành nhiều trang viết đậm chất suy tư về sự huyền ảo, chất bi tráng, anh hùng, kỳ vĩ của Tây Nguyên được thể hiện và phản ánh trong sử thi Dăm Săn và các bộ sử thi của đồng bào Ê-đê.
Qua đó, một Tây Nguyên giàu tiềm năng văn hóa, kinh tế đang trỗi dậy và chắc chắn (dù còn nhiều khó khăn, thách thức) sẽ tiếp tục có những đóng góp xứng đáng với văn hóa Việt Nam, văn hóa châu Á và thế giới.
Nhận xét đánh giá