Nội dung cuốn Lịch sử tư tưởng Trung Quốc được chia thành 6 phần, 22 chương; trình bày và thảo luận về lịch sử tư tưởng Trung Quốc từ khởi thủy đến đầu thế kỷ XX. Ngay sau khi xuất bản, cuốn sách đã được Viện Hàn lâm Văn khắc và Văn chương Pháp trao giải thưởng Stanilas Julien (1997) và Viện Hàn lâm Khoa học Đạo đức và Chính trị Pháp trao giải thưởng Dagnan-Bouveret (1998). Cuốn sách được đón nhận một cách nồng nhiệt không chỉ trong cộng đồng Pháp ngữ (tái bản vào các năm 2002, 2014) mà còn được dịch ra nhiều thứ tiếng (11 thứ tiếng).
Theo tác giả thì cảm hứng để bà viết cuốn sách này “bắt nguồn từ tinh thần cả phê phán lẫn thấu cảm (theo nguyên nghĩa), đứng từ góc độ của cả người trong cuộc và ngoài cuộc. Công trình này cơ bản chỉ mang tính gợi dẫn, không có chủ ý mang đến một lượng tri thức như là các chân lý định sẵn mà hy vọng khơi dậy tâm lý tò mò và hứng thú cho người đọc: đó là những ‘chìa khóa’, những cuốn sách có giá trị và hữu ích đối với độc giả nhằm giúp cho họ tôi rèn được ‘chìa khóa’ của riêng mình.
Tác giả không hề có chút cao vọng là sẽ hoàn thành một công trình mang tính quyết định mà chỉ có một mong muốn là cùng độc giả chia sẻ niềm vui được viếng thăm những nhà tư tưởng lỗi lạc, chia sẻ một góc nhìn được tạo dựng từ cá nhân tác giả, một người sở hữu hai nền văn hóa [phương tây và Trung Quốc].”
Vì vậy, nhìn vào cấu trúc của bộ sách, người ta sẽ thấy rằng đây là một bộ sách về tư tưởng Trung Quốc được trình bày theo tuyến lịch sử hơn là một bộ sách lịch sử viết về lĩnh vực tư tưởng, tức là bộ sách có dáng dấp một tác phẩm triết học hơn là một tác phẩm sử học, mặc dù cả hai bình diện đều có dấu ấn đậm nét.
Với việc bổ sung một bản dịch sách Lịch sử tư tưởng Trung Quốc của Anne Cheng, độc giả tiếng Việt có cơ hội thưởng thức một ấn phẩm có nhiều ưu điểm so với các bộ sách thông sử tư tưởng Trung Quốc bằng Việt ngữ đã xuất bản trước đây. Những ưu điểm chủ yếu có thể kể ra là: (1) góc nhìn phương Tây của một học giả người Pháp gốc Hoa đủ độ uyên thâm về truyền thống Hán học, từ đó thâu thái được những điểm tinh hoa của hai nền học vấn Đông - Tây; (2) bút pháp thiên về biện giải, phân tích, xâu chuỗi, trừu tượng hóa, chứ không phải là khảo cứu tư liệu ngữ văn, mô tả tác phẩm và hành trạng nhân vật; (3) tri thức và ảnh hưởng của Phật giáo được coi trọng như là một tác nhân thúc đẩy sự phát triển của dòng lịch sử tư tưởng; (4) các giai đoạn lịch sử tư tưởng được trình bày một cách cân đối, toàn diện, có hệ thống lớp lang, có tính xâu chuỗi và gắn kết để tạo thành dòng mạch tư tưởng một cách thông suốt.
ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CHUYÊN GIA
“Đối với ‘vở kịch lớn’ của tư tưởng Trung Quốc, cuốn Lịch sử tư tưởng Trung Quốc của Anne Cheng có giá trị đặc biệt.”
(Michael Nylan, 2001)
“Một cuốn sách khoa học được coi là đạt khi nó có gì đó đọng lại trong độc giả sau khi đọc; một cuốn sách thành công thì còn gợi hứng cho độc giả tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về những điều ẩn giữa hai dòng chữ. Tôi cho rằng Anne Cheng đã làm được cả hai điều qua cuốn sách này. Bà không chỉ cung cấp kiến thức cho độc giả bằng cách xâu chuỗi các vấn đề trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc, mà nhiều chỗ còn khơi dậy được sự tò mò trong lòng những độc giả yêu mến tri thức để có thể tự tìm hiểu thêm”
(Nguyễn Tuấn Cường)
THÔNG TIN TÁC GIẢ
Anne Cheng (Trình Ngải Lam)
Sinh năm 1955, là giáo sư Hán học giảng dạy tại Collège de France danh giá, một trong những chuyên gia hàng đầu ở Pháp trong lĩnh vực lịch sử, triết học và tư tưởng Trung Quốc.
Các tác phẩm tiêu biểu:
- Étude sur le confucianisme Han. L'élaboration d'une tradition exégétique sur les Classiques (Nghiên cứu về Hán Nho. Sự phát triển của truyền thống chú giải về kinh điển), 1985
- Histoire de la pensée Chinoise (Lịch sử tư tưởng Trung Quốc) 1997
- La pensée en Chine aujourd'hui (Tư tưởng ở Trung Quốc hiện nay), 2007 (đồng tác giả với Jean-Philippe de Tonnac)
- Penser en Chine (Tư duy ở Trung Quốc [đương đại]), Anne Cheng chủ biên, 2021
Nhận xét đánh giá