"Lý hoặc luận" là tác phẩm của Mâu Tử (tên thật là Mâu Bác), người Giao Châu, sống vào khoảng cuối thế kỷ II đầu thế kỷ III sau Công nguyên. Mâu Tử dắt mẹ rời Thương Ngô (Quảng Tây) chạy sang miền Bắc nước ta tránh loạn. Tại đây, ông để tâm nghiên cứu Phật Giáo Luy Lâu (Thuận Thành, Hà Bắc, trung tâm chính trị văn hóa Việt Nam hồi này), có nhiều khám phá và phát hiện quan trọng.
Ông viết "Lý hoặc luận" để trình bày những điều mới mẻ mà ông tìm thấy nơi Phật Giáo, đồng thời bảo vệ đạo Phật trước sự tấn công từ nhiều phía của đạo Nho, thuyết Hoàng Lão và thuật tu tiên, luyện thuốc trường sinh đang thịnh hành ở Giao Châu thời bấy giờ. Sách gồm 37 câu hỏi đáp giữa tác giả và những người theo Đạo Nho (chủ yếu) và Đạo Lão (số câu ít hơn, chỉ từ câu 29 trở đi). Theo một số nhà nghiên cứu, thì với cuốn này, có thể nói Mâu Tử là người Trung Quốc đầu tiên có trước tác về Phật giáo bằng chữ Hán
"Lý hoặc luận" sau khi ra đời, đã có những tiếng vang nhất định, nó để lại dấu ấn trong 6 bức thư tranh luận về đạo Phật và Đạo Cao, Pháp Minh, hai trí thức nước ta với Lý Miễu, Thứ sử Giao Châu. Nó còn được Tăng Hựu, người đời Lương dùng làm tác phẩm mở đầu cho Hoằng minh tập, một bộ chuyên luận về đạo Phật.
Tác phẩm "Lý hoặc luận" của Mâu Tử có thể nói là tác phẩm được nhiều học giả khi nghiên cứu về lịch sử tư tưởng Việt Nam biết đến nhiều nhất và thậm chí nhiều người (nổi tiếng nhất có nhà nghiên cứu Lê Mạnh Thát ) xem nó là tác phẩm điển hình cho Phật giáo Việt Nam thời kỳ đầu tiên. Lê Mạnh Thát viết: “Lý hoặc luận từng là một tác phẩm lý luận gối đầu giường của người Phật giáo ở Viễn Đông, mà cụ thể là Trung Quốc và Nhật Bản. Đối với lịch sử dân tộc ta, nó là một tác phẩm lý luận có một vị trí xung yếu. Từ những năm 1096, Thông Biện khi trình bày lại lịch của Phật giáo nước ta cho thái hậu Ỷ Lan, dẫn lời của Đàm Thiên, đã nói tới Mâu Bác và Khương Tăng Hội như hai đại biểu tôn giáo đầu tiên ở nước ta. Đến thời cận đại , thiền sư Pháp Chuyên (1726 - 1798) khi viết "Tam bảo biện hoặc luận", tuy chủ yếu dựa vào "Chiết nghi luận" của Tử Thành, đã xa gần nói đến Mâu Tử. Đặc biệt đến đầu thế kỷ XX, khi Trần Văn Giáp giới thiệu về ông như một trong những nhà truyền bá đạo Phật đầu tiên ở Việt Nam, Mâu Tử trở nên quen thuộc không những đối với học giới, mà còn đối với bộ phận lớn người dân".
-----
Trong cuốn sách này, tác giả nghiên cứu, khảo luận về tác giả, tác phẩm "Lý hoặc luận", mối quan hệ giữa Phật giáo và Đạo giáo thời bấy giờ (phần 1). Phần 2 là bản dịch của 37 câu hỏi đáp trong tác phẩm "Lý hoặc luận", mỗi câu hỏi sẽ được trình bày phần chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa, ghi chú và bình luận giải thích. Đồng thời, chỉ ra những sơ suất của những bản dịch tác phẩm này trước đây.
"Tại Việt Nam người đầu tiên dịch trọn vẹn tác phẩm này là Lê Mạnh Thát. Là người tiên phong, ông khó tránh những sơ suất trong phiên dịch mà chúng tôi sẽ chỉ ra trong bản dịch này. Tại phương Tây, Paul Pelliot là người đầu tiên dịch trọn vẹn Lý hoặc luận sang tiếng Pháp, cũng như John Keenan dịch toàn bộ Lý hoặc luận sang tiếng Anh. Chúng tôi tham khảo một số bản dịch sang Trung văn (có sẵn trên mạng) nhưng hầu hết đều sai sót rất nhiều và không hề giải thích hay chú thích lý do tại sao lại dịch như vậy. Bản thân Mâu tử là người dùng nhiều từ cổ, cộng thêm hiện tượng sao chép nhiều lần, điều này gây khó khăn cho người dịch không ít, mặc dù ý nghĩa thì rất rõ ràng". (trích Mở đầu phần 2)
TS. Dương ngọc Dũng sinh năm 1956, hiện là giảng viên khoa Quan hệ Quốc tế, trường Đại học KHoa học Xã hội và Nhân văn - TP.HCM.
Ông tốt nghiệp cử nhân Anh văn năm 1980, tốt nghiệp đại học Canberra (Úc) năm 1989, chuyên ngành giảng dạy tiếng Anh (Graduate Diploma). Tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Đông Á học tại Đại học Harvard (Mỹ) năm 1995, tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Tôn giáo học tại Đại học Boston (Mỹ) năm 2001, tốt nghiệp MBA (UBI, 2007).
Các tác phẩm đã xuất bản:
Kinh dịch và cấu hình tư tưởng Trung Quốc (NXB Khoa học Xã hội, 1999)
Triết giáo Đông Phương (NXB Đại học Quốc gia TP.HCM, 2003)
Lịch sử văn minh và các triều đại Trung Quốc (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2004)
Bút kiếm Kim Dung (NXB Văn học, 2005)
Đường vào triết học (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2006)
Tôn giáo nhìn từ viễn cảnh xã hội học (NXB Hồng Đức, 2016)
Nhận xét đánh giá