Con người từ lúc sinh ra, lớn lên và trưởng thành luôn gắn với nhiều mối quan hệ xã hội vốn rất đa dạng và có thể thay đổi tùy theo thời gian và tùy theo hoàn cảnh. Duy chỉ có một thứ có thể giúp con người có thể làm chủ chính mình một cách hiệu quả trong tất cả các mối quan hệ ấy, đó là "lễ" và tri thức về "lễ". Triết lý Nho gia từng đề cao tinh thần “khắc kỷ phục lễ vị nhân” (khắc chế những đòi hỏi cá nhân, tránh để cái tôi chi phối, ngược lại, phải rèn luyện để hành xử theo chuẩn tắc để làm người có nhân có nghĩa). Tuy được diễn giải và áp dụng khác nhau ở những thời điểm khác nhau của lịch sử; song, đứng ở góc độ bản thể luận nguyên thủy của nó, phương châm này vẫn còn nguyên giá trị trong xã hội hôm nay: “tiên học lễ, hậu học văn”. Lễ là hệ thống quy tắc và tri thức ứng xử xã hội được mã hóa dưới dạng những khuôn phép, quy tắc thành văn hoặc bất thành văn nhằm giúp con người nhận thức, điều chỉnh thái độ và hành vi cho phù hợp với những mô thức ứng xử xã hội được cộng đồng xã hội thừa nhận và phát huy. Đối với thành phần tinh hoa trong xã hội, lễ có thể tồn tại dưới dạng những quan niệm, quy tắc đơn thuần trong nhận thức và tư duy của họ, trong nhiều trường hợp được cụ thể hóa và lý tính hóa thành một số điều luật cụ thể dụng trong đời sống hàng ngày. Song đối với đại đa số tầng lớp đại chúng, không phải bất cứ yếu tố lễ nào lý tính hóa thành lễ đều phát huy tác dụng. Trong các xã hội truyền thống, lễ được chuyển hóa thành nền tảng cơ bản của hệ thống biểu tượng và nghi lễ, hai yếu tố có quan hệ mật thiết với nhau trong đời sống tinh thần - tâm linh của cộng đồng xã hội, kể cả ở những xã hội được cho là tiến bộ như Âu - Mỹ hiện nay (tồn tại trong phong tục, tín ngưỡng, tôn giáo, vv...). Ở một chừng mực nhất định, nghi và biểu tượng là hai trong số các phương tiện và cơ chế quan trọng để con người thực hành lễ nghi xã hội.
Giáo trình "Nghi lễ và biểu tượng trong nghi lễ" này được chúng tôi thực hiện từ góc tiếp cận liên ngành giữa nghiên cứu văn hóa, nhân học văn hóa, khu vực học (Việt Nam học, Đông Á học) và triết học lịch sử, chủ yếu tổng hợp, phân tích và trình bày có hệ thống nền tảng lý luận, lý thuyết nghiên cứu nghi lễ và biểu tượng gắn với nghi lễ của thế giới và khu vực, đặt chúng trong tiêu cự văn hóa Việt Nam và Đông Á. Đây là giáo trình dành cho đối tượng học viên cao học và nghiên cứu sinh, do đó, phổ nội dung công trình tập trung chuyên sâu và nâng cao vào hai vấn đề cốt lõi của quá trình nghi lễ (nghi lễ và biểu tượng trong nghi lễ). Các khái niệm và khía cạnh có liên quan khác được trình bày trong cuốn "Nhập môn nghiên cứu lễ tục" dành cho bậc cử nhân dự kiến xuất bản trong thời gian tới đây. Để tăng cường khả năng áp dụng các quan điểm, lý thuyết vào nghiên cứu, chúng tôi cung cấp một số nghiên cứu trường hợp tiêu biểu đã thực hiện trong nhiều năm qua tại địa bàn Nam Bộ (Việt Nam) và một số khu vực có liên quan như Nam Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia. Nguồn tài liệu thành văn vô cùng phong phú, được sử dụng xuyên suốt các nội dung nghiên cứu cụ thể.
Nhận xét đánh giá