Cho đến hiện nay ở Việt Nam, xét về khía cạnh tổ chức thì Nhân học đã có chỗ đứng của mình trong giáo dục, trong nghiên cứu khoa học và cả trong các hội nghề nghiệp. Tuy nhiên, Nhân học vẫn chưa xác lập được chỗ đứng của mình trong đời sống hàng ngày. Tại sao lại như vậy? Đây thực sự là một vấn đề trăn trở của những người đang dấn thân để góp phần khẳng định vị thế của Nhân học không chỉ trong lĩnh vực học thuật, mà cả trong đời sống xã hội.
Bằng những việc làm cụ thể, trong những năm qua với sự nỗ lực của nhiều đơn vị, cá nhân, nhận thức về một ngành học, một lĩnh vực nghiên cứu mới đã dần được định hình. Nhờ đó mà các cơ quan chức năng đã có những quyết định kịp thời không chỉ ở khía cạnh tổ chức, mà cả trong thực tế. Việc xây dựng chương trình và triển khai đào tạo ngành Nhân học ở các trường đại học, một mặt, hướng tới hoàn thiện chương trình đào tạo sao cho vẫn phát huy được những thành tựu trong đào tạo và nghiên cứu của các ngành học truyền thống, mặt khác, lại có thể tạo được những thuận lợi cho người dạy, người học trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Để có thể thực hiện được những công việc đó, trong những năm qua, một loạt sách chuyên ngành đã được biên soạn xuất bản. Những xuất bản phẩm đó thực sự có ý nghĩa và có ích cho cả người dạy và người học. Cùng với đó, các giảng viên đã góp phần khẳng định vị thế của một ngành học mới bằng các việc làm cụ thể. Chính nhờ nỗ lực đó của các giảng viên, mà cách đây không lâu, chúng tôi đã tập hợp được các bài viết in trong "Nhân học và cuộc sống". Bộ sách đó đã được bạn đọc đón nhận.
Tiếp tục công việc đó, chúng tôi thực hiện chuyên khảo 7 gồm 31 bài viết, chia theo 4 chủ đề là (1) Những vấn đề tộc người; (2) Văn hóa tộc người; (3) Tín ngưỡng, tôn giáo; (4) Những vấn đề phát triển.
Nhận xét đánh giá