Năm 1863, ba vị đại quan của triều Nguyễn là Phan Thanh Giản (Chánh sứ), Phạm Phú Thứ (Phó sứ) và Nguỵ Khắc Đản (Bồi sứ) đã dẫn đầu phái đoàn Đại Nam “gồm 64 người do Triều đình Huế cử và 9 người do nhà cầm quyền ở Sài Gòn đài thọ” đi thực thi trọng trách ngoại giao với Pháp và Tây Ban Nha nơi trời Âu. Sứ đoàn đăng trình với kỳ vọng và mệnh lệnh của Hoàng đế Tự Đức là thực thi ngoại giao làm sao để được trả lại mà không phải chuộc ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ đã bị mất vào tay Pháp sau Hiệp ước Nhâm Tuất năm 1862.
Nguỵ Khắc Đản là Bồi sứ, đứng thứ ba trong số ba vị dẫn đầu sứ đoàn thực thi trọng trách ngoại giao với Pháp và Tây Ban Nha năm đó. Khi ấy, theo Âm lịch, Nguỵ Khắc Đản ở tuổi 47, ông là một trong những vị đại khoa nhà Nguyễn đầu tiên thực thi sứ mệnh ở châu Âu. Ông đã ghi lại những điều thu nhận được về nước Pháp trong chuyến đi sứ, để lại cho đời công trình khảo cứu về một nước Pháp ngay từ thế kỷ XIX – tập du ký Như Tây. Với một thái độ làm việc nghiêm túc và khoa học, Nguỵ Khắc Đản đã trình bày khá đầy đủ, chính xác về các phương diện của xã hội Pháp từ lịch sử, địa lý, tôn giáo... đến bộ máy hành chính, tổ chức quân đội, sinh hoạt thường ngày... của nước Pháp vào thời kỳ ấy. Qua tìm hiểu, nghiên cứu cho thấy, văn bản chép tay Như Tây ký mang kí hiệu A.764 được lưu giữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện là văn bản duy nhất tính đến nay. Tác phẩm chứa đựng nhiều nội dung phong phú, là tư liệu quý, giúp ích cho việc nghiên cứu về lịch sử Việt Nam ở giữa thế kỉ XIX, về mối quan hệ bang giao giữa hai nước Việt – Pháp, về nước Pháp trong thế kỷ XIX, những nhìn nhận của một người Việt về một đất xa lạ nhưng có quan hệ mật thiết với Việt Nam... Chúng tôi tin rằng ấn phẩm này sẽ trở thành tư liệu tham khảo tin cậy cho nhiều đối tượng trong nhiều lĩnh vực.
Ngụy Khắc Đản (1817 - 1873), tự là Thân Chi, người làng Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Đậu Cử nhân khoa Tân Sửu niên hiệu Thiệu Trị thứ nhất (1841), đậu Đình nguyên Thám hoa khoa Bính Thìn niên hiệu Tự Đức thứ 9 (1856), là một trong số các danh sĩ Nho học vùng Nghệ - Tĩnh. Từng trải qua các vị trí: Án sát Quảng Nam, Bố chánh sứ Nghệ An, Thượng thư bộ Binh, Thượng thư Bộ Công, Tham biện Cơ mật viện.
Năm 1863 ông được cử làm bồi sứ trong đoàn sứ bộ do Phan Thanh Giản làm chánh sứ và Phạm Phú Thứ làm phó sứ sang Pháp và Tây Ban Nha. Với khả năng quan sát, ông đã ghi lại những điều thu nhận được trong chuyến đi sứ, để lại cho đời công trình khảo cứu về một nước Pháp ngay từ thế kỷ 19, Như Tây ký (1863 - 1864).
Nhận xét đánh giá