-
174/3 Điện Biên Phủ, P17, Bình Thạnh, TP. HCM
- Hotline: 028 66 832 872
174/3 Điện Biên Phủ, P17, Bình Thạnh, TP. HCM
Vận chuyển toàn quốc
Bọc sách theo yêu cầu
Sách tri thức và học thuật
Giao hàng trên toàn quốc
Sưu tầm sách quý, sách cổ
Ấn bản bìa mềm, bìa cứng, bìa da
1. Trích TIỂU DẪN VỀ SƯU TẬP CÁC TÁC PHẨM CỦA PHAN KHÔI ĐĂNG BÁO TRONG CÁC NĂM 1938-1942
Hoạt động báo chí của Phan Khôi thời kỳ dưới chế độ bảo hộ của thực dân Pháp đã chấm dứt từ cuối năm 1941–đầu năm 1942.
Khoảng cuối năm 1941, từ Sài Gòn, Phan Khôi cùng người vợ thứ hai và đứa con trai đầu của họ trở về quê, làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, sống cùng bà vợ cả và toàn gia đình.
Thời gian từ 1942 đến sự kiện thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2.9.1945), Phan Khôi không công bố tác phẩm nào, dù bài báo hay sách in.
Các bài đăng báo và sách in của Phan Khôi giai đoạn dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều khởi đầu từ việc Phan Khôi tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954).
Đầu tháng 7.1946, Phan Khôi từ Quảng Nam ra Hà Nội, theo giấy mời dự Hội nghị văn hóa toàn quốc. Hội nghị này được dự kiến tổ chức đầu tháng 8.1946, đã phải lùi đến cuối năm, và chỉ họp trong một ngày (24.11.1946 tại Nhà hát Lớn Hà Nội) vì tình hình chiến sự rất khẩn cấp. Sau hội nghị, Phan Khôi ở lại Hà Nội, chăm chú theo dõi động thái của chính quyền mới đối phó với các hành động quân sự của thực dân Pháp đang lấn tới. Đây là lời tự thuật của chính Phan Khôi:
“Đêm 19.12.1946, tiếng súng kháng chiến bùng nổ. Trước hết tôi thấy hổ thẹn, mình nông nổi quá, Việt Minh cũng đã đánh Tây đây rồi. Đêm ấy tôi ở một nhà gần Dốc Láng, nghe súng pháo đài Láng nổ, trèo qua cửa sổ ngồi ở vỉa hè, đếm được hơn sáu chục tiếng rồi không đếm nữa, phơi phới cả người.
Cũng ở nhà ấy, mấy hôm sau, tôi bị một đội tự vệ đeo gươm súng đến nơi, lục soát hành lí tôi, xé bâu áo pa-đờ-xuy của tôi ra tìm cái gì không biết, tôi cứ bình tĩnh, để mặc họ.
Trước Tết nguyên đán một ngày, tôi theo một gia đình chạy vào Yên Hạ, vì mặt trận Láng vỡ. Ở Yên Hạ, tôi lại bị công an soát giấy, rồi gọi hai người vệ quốc quân đến, chĩa súng vào cạnh sườn tôi, dẫn về nhà trọ, lục soát khắp cả. Tôi vẫn cứ bình tĩnh, để mặc họ.
Ở đó chừng mươi ngày, tôi lại đi theo gia đình ấy lên Bố Hạ, đi được chặng đường, bị công an giữ lại. Họ bảo tôi khai, tôi khai. Hai hôm sau được lệnh thượng cấp thả tôi đi tự do, tôi không chịu đi, lấy cớ mất liên lạc rồi, vả lại trong lưng không còn có tiền. Họ đưa tôi đến ty công an tỉnh Hà Đông, ông ty trưởng chẳng giải quyết cách nào được cả, đành chứa tôi trong ty chừng một tuần lễ. Tôi thấy làm bận họ quá, bèn xin lên Vân Đình tìm người quen. Đến nơi, được tin anh Thế Lữ trụ ở Hòa Xá, tôi bèn đến đó ở tạm bợ với Thế Lữ. Mấy tuần lễ sau có người đến bảo tôi gia nhập đoàn Văn hóa kháng chiến đi Phú Thọ, tôi với Thế Lữ và gia đình anh cùng đi Phú Thọ.
Đến Phú Thọ, trước ở Vĩnh Châu, sau đổi lên Xuân Áng. Trong thời gian ấy đoàn chúng tôi viết, vẽ và diễn kịch. Riêng tôi dịch được năm thiên tiểu thuyết của Lỗ Tấn”[1].
Vậy là Phan Khôi đã đi theo dòng người tản cư rời khỏi Hà Nội rồi gia nhập đoàn văn hóa kháng chiến đi lên Việt Bắc.
Tháng 7.1948, ông tham dự Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai, đọc tham luận ở ngày khai mạc, 16.7.1948; tại đây, Hội Văn hóa Việt Nam được thành lập, Phan Khôi được cử làm Trưởng ban Ngôn ngữ văn tự của hội. Phan Khôi cũng tham dự đại hội văn nghệ (23–25.7.1948) thành lập Hội văn nghệ Việt Nam, ông trở thành thành viên và có bài đăng Tạp chí Văn nghệ của hội từ khá sớm.
Tháng 9.1949, Phan Khôi tham gia Hội nghị tranh luận văn nghệ Việt Bắc, sau đó tham gia đoàn văn nghệ đi chiến dịch liền 2 tháng.
Tháng 3.1950, Phan Khôi tham gia Hội nghị tranh luận sân khấu Việt Bắc.
Cuối năm 1950, Phan Khôi chuyển sang làm việc tại Vụ Văn học Nghệ thuật (là cơ quan trực thuộc Bộ Giáo dục, thành lập theo Sắc lệnh số 177-SL ngày 19.12.1950; đến ngày 24.2.1952 vụ này được hợp nhất với Nha Thông tin thuộc Thủ tướng phủ, theo Sắc lệnh số 83-SL thành Nha Tuyên truyền và Văn nghệ thuộc Thủ tướng phủ).
Cuối năm 1951, Phan Khôi được điều chuyển về làm việc ở Sở Văn nghệ (?)[2].
Đầu năm 1952, do bệnh đau dạ dày, Phan Khôi được đưa đến bệnh viện Thực hành A của trường Đại học Y Dược đóng ở Ngòi Quẵng, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, được bác sĩ Tôn Thất Tùng trực tiếp mổ và điều trị[3].
Mùa hè năm 1952, Phan Khôi dự lớp chỉnh huấn ở Phủ Bình, Thái Nguyên.
Đầu năm 1953, Hội Văn nghệ Việt Nam công bố giải thưởng văn nghệ 1951-1952, Phan Khôi được tặng giải nhì (không có giải nhất) cho “toàn bộ các bản dịch đã in và chưa in: Chúc phước (truyện ngắn của Lỗ Tấn), A Q. chính truyện (tiểu thuyết của Lỗ Tấn), Dưới cây hòe (thơ của Hồ Chinh), Thù làng (truyện của Mã Phong), Ánh lửa đằng trước (tiểu thuyết của Lưu Bạch Vũ), Chủ nghĩa Mác và ngôn ngữ học (của Stalin)”[4].
Mùa hè năm 1953, Phan Khôi tự đề nghị và được cử tham dự lớp chỉnh huấn cùng nhiều văn nghệ sĩ khác, kéo dài 3 tháng, từ tháng 6 đến tháng 9, qua 4 đợt học tập, kiểm điểm. Tại đây ông viết “Tự thuật tiểu sử sơ lược”, “Kiểm thảo sơ bộ”, và “Tự kiểm thảo”[5], những tài liệu hệ trọng về tiểu sử của ông.
Năm 1954, Phan Khôi vừa làm việc tại Hội Văn nghệ Việt Nam, vừa được mời cộng tác với Ban Nghiên cứu Văn Sử Địa do Trần Huy Liệu là trưởng ban.
Sau khi chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản thủ đô Hà Nội, giữa tháng 10.1954, cùng với cơ quan Hội Văn nghệ và Ban Văn Sử Địa, Phan Khôi trở về Hà Nội. Trong cách sắp xếp nhân sự của chính quyền, Phan Khôi được coi là nhân sĩ, có cần vụ (người phục vụ, giúp việc)[6].
Trong việc tập kết nhân viên quân sự, dân sự hai bên theo Hiệp định Geneve, hầu hết thân nhân Phan Khôi ở Quảng Nam đều lần lượt được đưa tập kết ra miền Bắc[7].
Năm 1955, Phan Khôi được cử tham gia Phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào thăm Liên khu Năm, nói chuyện về thắng lợi của cuộc kháng chiến tại hai cuộc mít tinh ở Quảng Ngãi và Bình Định[8].
Phan Khôi đóng vai trò tích cực, dồn nhiều công sức (dịch, viết, thuyết trình) trong việc chuẩn bị kỷ niệm văn hào Trung Quốc Lỗ Tấn (1881-1936) do Hội Văn nghệ Việt Nam chủ trì; ông được Hội Văn nghệ cử đi thăm Trung Quốc (cùng nhà thơ Tế Hanh) dự lễ kỷ niệm 20 năm mất của Lỗ Tấn (tháng 10.1956)[9]. Phan Khôi cũng tham gia một số hoạt động do ban lãnh đạo Hội Văn nghệ tổ chức, trong đó có việc là thành viên ban chung khảo giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1954-1955. Từ việc tham gia các hoạt động này, Phan Khôi đã nhận thấy có những sai lầm, lệch lạc trong việc quản lý các hoạt động văn nghệ, như bè phái, phe cánh, vi phạm các chuẩn mực về xét duyệt giải thưởng, [...].
2. Mục lục
Vài lời chung về việc biên soạn các sưu tập tác phẩm đăng báo của Phan Khôi
Tiểu dẫn về sưu tập các tác phẩm của Phan Khôi đăng báo, in sách trong các năm 1948-1958
Một số sách tra cứu để chú thích từ ngữ trong các văn bản sưu tầm
Thư mục tác phẩm Phan Khôi công bố 1948-1958
PHAN KHÔI VIẾT 1948-1958
Thơ tặng một vệ quốc quân
Giới thiệu sách “Thời gian, tiến lên!”của Katayev
Giới thiệu thơ Trung Hoa hiện đại
Đọc “Sử cách mạng cận đại Việt Nam” của Trần Huy Liệu
Hội nghị tranh luận sân khấu Việt Bắc, 20-23.3.1950
Một vị học giả Mác-xít thiên tài
Thử tìm sử liệu Việt Nam trong ngữ ngôn
Lập lại quan hệ Bắc Nam
Kỷ niệm sinh nhật 60 tuổi của Lý Cơ Vĩnh nhà sáng lập văn học hiện đại Triều Tiên
Phê bình Truyện Kiều chú giải của Lê Văn Hòe
Thư ngỏ trả lời cho người bạn nhà nho miền Nam về việc “tố cộng”
Lỗ Tấn, một đại văn hào Trung Quốc và thế giới
Sự đấu tranh về văn học của Lỗ Tấn
Đời sống và sự nghiệp văn học của Lỗ Tấn
Lời phát biểu của cụ Phan Khôi trong buổi khai mạc đại hộikỷ niệm hai mươi năm ngày Lỗ Tấn từ trần tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc)
Mũi nhọn
Một câu sấm sắp ứng nghiệm
Hỏi gặng
Nghiến răng
Oan thay cho bồ câu
Nguyễn Đình Chiểu,một nhà nho chân chính miền Nam
Phê bình lãnh đạo văn nghệ
Trả lời một tờ báo ở Sài Gòn
Ông bình vôi
Không đề cao Vũ Trọng Phụng,chỉ đánh giá đúng
Thông báo của Phan Khôi
Ba bài thơ ngắn
Hồng gai
Hớt tóc trong bệnh viện Quân y
Nắng chiều
Ông Năm Chuột (truyện ngắn)
Việt ngữ nghiên cứu
Tựa 238
Phân tích vần quốc ngữ
Một vài nhận xét trong tiếng ta theo chữ Nôm
Tiếng đệm
Con, cây, cục, cái
Tiền danh tự và mạo tự
Thời gian và không gian trong ngữ pháp
Trên, dưới, trong, ngoài, lên, xuống, vào, ra
Kiểm thảo về đại danh từ
Mấy đặc điểm trong tiếng Việt
Hư tự trong Truyện Kiều I
Đề nghị về danh từ ngữ pháp I
Phụ lục: Một phương pháp dạy văn pháp tiếng ta
PHAN KHÔI DỊCH 1948-1958
Lỗ Tấn: Vì sao tôi viết tiểu thuyết
J. Stalin: Chủ nghĩa Mác về ngôn ngữ học
Mã Phong: Thù làng
Chu Dương: Phấn đấu để sáng tạo những tác phẩm văn học nghệ thuật càng nhiều hơn càng hay hơn
Lưu Bạch Vũ: Ánh lửa đằng trước
Triệu Thụ Lý: Đất
Hồng Lâm: Lý Tú Lan
M. Gorki: Một ông vua nước cộng hòa
Ngải Thanh: Ở thế giới bên kia
Bạch Cư Dị: Ông già Đỗ Lăng
CÁC TÁC GIẢ KHÁC VIẾT VỀ PHAN KHÔI
Từ sau 1945 đến 1958
Xuân Diệu: Đại hội văn nghệ
Thao Trường: Văn nghệ sĩ xuất phát đi mặt trận
A.N.: Những cuộc họp văn hóa, văn nghệ ở Việt Bắc đầu tháng Tám 1950
Tô Hoài: Hội nghị tranh luận sân khấu
Chế Lan Viên: Văn nghệ chào mừng Đảng Lao động Việt Nam tại hội nghị chấp hành mở rộng (lần thứ 5) 18–20.3.1951
Hội văn nghệ Việt Nam: Báo cáo nhận xét của ban chấm giải
Phan Ngọc: Việt ngữ nghiên cứu
Mấy tài liệu về việc cử Phan Khôi đi Trung Quốc dự kỷ niệm 20 năm mất Lỗ Tấn 640
Thư mục các bài phê phán Phan Khôi trong đợt đấu tranh chống Nhân văn–Giai phẩm (1956-1958) 646
[1]Phan Khôi (1953): “Tự kiểm thảo”, rút từ tập bản thảo chưa in Phan Khôi, Di cảo, Phan An Sa, Phan Nam Sinh biên soạn.
[2]Câu Phan Khôi viết 1953 trong “Tự kiểm thảo”: “cuối năm 51, lại chuyển sang sở Văn nghệ cho đến hôm nay”, được Phan An Sa (Nắng được thì cứ nắng, 2013, tr. 377) dự đoán “Sở Văn nghệ” là một sở thuộc Sở Thông tin Khu XII (?). Tôi (Lại Nguyên Ân) cho rằng ý này của Phan Khôi cũng cho thấy Hội Văn nghệ Việt Nam là nơi làm việc chính của ông.
[3]Phan An Sa (2013): Nắng được thì cứ nắng, sđd., tr. 380-381.
[4]Ban chấm giải: Giải thưởng 1951-1952 của Hội văn nghệ Việt Nam//Văn nghệ [Việt Bắc], s. 39 (tháng 2.1953) [Rút từ Sưu tập VĂN NGHỆ 1948-1954, tập 6: 1953,Hữu Nhuận sưu tầm, Lại Nguyên Ân biên soạn, Hà Nội: Nxb. Hội Nhà Văn, 2005, tr. 49-53].
[5]Phan An Sa (2013): Nắng được thì cứ nắng, sđd., tr. 393-422.
[6]Phan An Sa (2013): Nắng được thì cứ nắng, sđd., tr. 440.
[7]Phan An Sa (2013): Nắng được thì cứ nắng, sđd., tr. 443-447.
[8]Phan Khôi (1955): “Thư ngỏ trả lời cho người bạn nhà nho miền Nam về “tố cộng”//Văn nghệ, Hà Nội, s. 84 (1.9.1955); Phan An Sa (2013): Nắng được thì cứ nắng, sđd., tr. 449-450.
[9]Tại kho lưu trữ quốc gia hiện còn một số văn bản liên quan đến chuyến đi. Xem ở phụ lục sách này.
Nhận xét đánh giá