"Phong vị xuân xưa" do nhãn sách Văn sử tinh hoa thuộc Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam (Tri Thức Trẻ Books) phát hành được nhóm sưu tầm, tuyển chọn từ nhiều cuốn sách, báo, tạp chí trong giai đoạn từ 1920 đến khoảng 1945. Với tiêu chí hay, độc, lạ, các tác giả đã lựa chọn kĩ càng từ nhiều nguồn tài liệu dường như đã phủ một lớp bụi thời gian, dường như đã ngủ yên trong một thời gian tương đối dài, nay chợt bừng tỉnh. Hàng loạt những cây bút quen thuộc, nổi tiếng trong giai đoạn thời Pháp thuộc được kể ra trong cuốn sách như: Lê Tràng Kiều, Lã Xuân Choát, Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Á Nam Trần Tuấn Khải, Hán Thu Nguyễn Tiến Lãng, Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, Từ Lâm Nguyễn Xuân Nghị, Từ Ô Trần Văn Giáp và họa sĩ danh tiếng Tô Ngọc Vân.
Bố cục sách chia làm 3 phần:
Phần I: Lai rai chén rượu ngày xuân: Là tuyển tập những bài viết giải thích về Tết, câu chuyện ănTết, vui Tết và câu đối Tết.
Phần II: Cảm tết: Là những bài viết tập trung vào những cảm nhận, thái độ trước mùa Xuân, thời cuộc, những dòng suy nghĩ của trí thức, nghệ sĩ trước mùa xuân.
Phần III cuốn sách có tiêu đề: Mùa xuân, lịch sử văn hóa là tập hợp một số bài viết về lịch sử, văn hóa, di tích của những trí thức nổi danh thời Pháp thuộc đã nói chuyện trong các buổi sinh hoạt của Hội Trí tri và trong giai phẩm của những năm trước cách mạng. Phần phụ lục của sách là những bài văn khấn: văn khấn Tết ông Táo, văn khấn lễ Nguyên đán, Văn khấn mùng 4 tiễn ông vải đăng trong một cuốn sách in năm 1924, với nội dung rất ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hành.
Điểm độc đáo của cuốn sách trước hết là nội dung độc đáo và lạ. Trên tinh thần tìm lại những tài liệu cách nay trên 50 năm, nhóm biên soạn đã tuyển chọn ra những bài viết gần như ít được biết đến, kể cả với giới nghiên cứu và những bạn đọc kĩ tính. Bên cạnh những bài thơ, bài viết về Tết lạ đó, bạn đọc sẽ đến với bài viết lịch sử nhưng pha lẫn chất văn chương của Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm về vua Quang Trung trong mồng 5 Tết ở Bắc Hà; bài viết tế di tích văn hóa của người Chiêm ở Bắc Kì của Trần Văn Giáp vừa lạ, vừa hay, ở chỗ đây gần như là một trong những bài viết nền tảng đầu tiên của giới nghiên cứu người Việt khi viết về mối quan hệ lịch sử giữa người Việt và Chăm trên đất Bắc Kì mà gần như những công trình nghiên cứu về sau thường luôn nhắc đến. Từ Lâm Nguyễn Xuân Nghị - một thành viên của hội Trí tri, là một kiến trúc sư tốt nghiệp tại Pháp có 02 bài nói về lễ tế Nam Giao và mĩ thuật nước Nam chịu ảnh hưởng của Trung Hoa và Tây Âu. Cùng đề tài mĩ thuật, bài viết của Tô Ngọc Vân kể về buổi đầu thi vào trường Mĩ thuật Đông Dương của các họa sĩ khóa I như thế nào. Tô Ngọc Vân kể câu chuyện họa sĩ Thang Trần Phềnh khi vào thi trông như một giáo sư vào dạy nhưng kết quả lại bị đánh trượt…
Cùng với những bài viết hay, đọc, lạ đó, cuốn sách còn sưu tầm những hình ảnh độc, lạ trên báo, chí những năm trước 1945. Trang bìa là tranh vẽ của họa sĩ Nguyễn Gia Trí trong một Giai phẩm in năm 1945 mà đến nay nhiều người xem còn ngỡ ngàng không nghĩ rằng Nguyễn Gia Trí còn một bức tranh như thế.
Nhận xét đánh giá