Tâm bệnh học hay tâm lý học bất thường là những cách gọi tên khác nhau của cùng một chuyên ngành nghiên cứu về những bất thường về tâm trí, các rối loạn tâm thần và các hành vi kém thích nghi ở con người. Tâm bệnh học thường là học phần bắt buộc và nền tảng trong đào tạo bậc sau đại học chuyên ngành tâm lý học lâm sàng, tâm lý học tham vấn. Tâm bệnh học đại cương cũng có thể được học ở bậc cử nhân ngành tâm lý học. Từ khi chương trình thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên của Trường Đại học (ĐH) Giáo dục được ra đời năm 2009 trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực nghiên cứu và đào tạo về sức khỏe tâm thần ở Việt Nam” giữa Trường Đại học Giáo dục và Đại học Vanderbilt, Hoa Kì, học phần Tâm bệnh học đã được đưa vào giảng dạy. Đề cương học phần ban đầu được xây dựng bởi nhóm giảng viên của chương trình, gồm các giảng viên Việt Nam và Hoa Kì để đảm bảo các nội dung của học phần cập nhật với kiến thức, xu hướng phát triển tâm bệnh học trên thế giới, vừa đảm bảo phù hợp với bối cảnh văn hóa, giáo dục của Việt Nam. Nội dung của học phần được các giảng viên phụ trách cập nhật hàng năm. Sau 11 năm giảng dạy, chúng tôi đã tích lũy kinh nghiệm và tư liệu giảng dạy học phần này để biên soạn thành cuốn Tâm bệnh học.
Cuốn Tâm bệnh học gồm 13 chương, ngoài nội dung chính của chương, các chương đều được thiết kế mở đầu với mục tiêu của chương, các trường hợp minh họa, tóm tắt chương, câu hỏi mở rộng giúp phát triển tư duy phê phán và các nguồn tài liệu đọc thêm để mở rộng kiến thức.
Chương một và chương hai trình bày các vấn đề cơ bản và chung của Tâm bệnh học như định nghĩa, phân loại và chẩn đoán các vấn đề sức khỏe tâm thần (chương 1), các lý thuyết tiếp cận chính giải thích tâm bệnh (chương 2). Theo hướng cắt ngang, chương ba đến chương đến mười hai, mỗi chương trình bày một dạng rối loạn tâm thần chính (theo các phân loại bệnh quốc tế) bao gồm rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng bức và các rối loạn liên quan, các rối loạn liên quan đến sử dụng chất kích và sang chấn, rối loạn trầm cảm và rối loạn lưỡng cực, rối loạn dạng cơ thể, rối loạn cư xử, các rối loạn liên quan thích, rối loạn nhân cách, tâm thần phân liệt, rối loạn ăn uống. Trong mỗi chương, các rối loạn được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau, tập trung vào định nghĩa rối loạn, tiêu chuẩn chẩn đoán, tỉ lệ mắc, nguồn gốc bệnh và trị liệu. Chương mười ba không giới thiệu một rối loạn theo hướng cắt ngang mà trình bày các rối loạn thường gặp ở trẻ em và vị thành niên (các rối loạn phát triển thần kinh, rối loạn hướng nội, rối loạn hướng ngoại) theo hướng cắt dọc. Cách phân loại mới theo DSM5 và các nghiên cứu mới nhất về tâm bệnh học cũng được trình bày trong chương này.
Trước thực tiễn các kiến thức, khám phá khoa học trong chuyên ngành tâm bệnh học trên thế giới phát triển mạnh mẽ và ngày càng chuyên sâu, chúng tôi cố gắng trình bày những phát hiện quan trọng và có ý nghĩa nhất trong lĩnh vực, đảm bảo các kiến thức được trình bày từ truyền thống đến hiện đại, từ cơ bản đến chuyên sâu, tính học thuật và bao quát rộng. Do vậy, cuốn sách này có thể được sử dụng cho bậc học cử nhân và sau đại học chuyên ngành tâm lý học lâm sàng, tham vấn, hoặc tâm lý học trường học ở Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cũng như các trường đại học khác trên toàn quốc đang đào tạo các chuyên ngành này.
Nhận xét đánh giá