-
174/3 Điện Biên Phủ, P17, Bình Thạnh, TP. HCM
- Hotline: 028 66 832 872
174/3 Điện Biên Phủ, P17, Bình Thạnh, TP. HCM
Sách tri thức và học thuật
Giao hàng trên toàn quốc
Sưu tầm sách quý, sách cổ
Ấn bản bìa mềm, bìa cứng, bìa da
Theo Dấu Hoàng Hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại
Tác giả: Vĩnh Đào - Nguyễn Thị Thanh Thúy
Dịch giả:
Nxb: Phụ Nữ
Kích thước: 16 x 24 cm
Số trang: 464
Loại bìa: Bìa mềm
Năm xuất bản:
Vua Bảo Đại (1913 - 1997) và Hoàng hậu Nam Phương (1913 - 1963) là hai nhân vật lịch sử chiếm được khá nhiều sự quan tâm của công chúng, có lẽ do họ là vua và hoàng hậu cuối cùng của chế độ quân chủ ở Việt Nam, và cũng có lẽ do cuộc đời, con người họ khá đặc biệt. Đã có nhiều cuốn sách viết riêng về Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương, tuy nhiên trong đó có nhiều chi tiết, sự kiện chưa được kiểm chứng và đối chiếu, thậm chí có những chi tiết thêu dệt thành giai thoại. Những sự kiện, chi tiết ấy, tiếc thay, chính người trong cuộc là Vua Bảo Đại, trong cuốn hồi ký xuất bản tại Pháp Con rồng An Nam, vì một lý do nào đó đã không nhắc đến hoặc ghi theo suy nghĩ của riêng ông. Thế nên, xung quanh Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương có nhiều giai thoại, nhiều sự kiện, sự việc được ghi chép khác nhau, thậm chí là bất nhất.
Hai tác giả của Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại – Vĩnh Đào và Nguyễn Thị Thanh Thúy – đã ròng rã suốt ba năm trời thực hiện nhiều chuyến đi thực tế đến những nơi lưu dấu của Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương ở Việt Nam, từ Sài Gòn về Tiền Giang, rồi từ Tiền Giang về Thủ Đức, Chợ Lớn, Biên Hòa, lên Đà Lạt, Kon Tum, ra Quy Nhơn, Huế, Hà Nội… cùng những chuyến đi ở Pháp, đến những nơi nhà vua, Hoàng hậu đã đi qua, sinh sống để tìm tư liệu, gặp nhân chứng và hậu duệ của những người cùng thời, phỏng vấn nhiều nhân chứng trong và ngoài nước, trong đó có cựu thị trưởng làng Chabrignac để tìm hiểu, đối chứng. Bên cạnh đó là sự dày công sưu tầm, khảo cứu từ nhiều nguồn tài liệu sách báo xuất bản trong và ngoài nước ở Thư viện Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Trung tâm Quốc gia Văn khố Hải ngoại (Aix-en-Provence, Pháp), các thư viện của tu viện dòng Mến Thánh giá Chợ Quán, dòng Đức Bà, Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn,… để sưu tầm, khảo cứu, xác minh, kiểm chứng thông tin.
Đặc biệt, tác giả Vĩnh Đào (Nguyễn Phước Vĩnh Đào) là con cháu hoàng tộc triều Nguyễn. Tác giả Vĩnh Đào và Vua Bảo Đại cùng là cháu của hai anh em ruột Miên Định - Miên Tông. Nguyễn Phước Vĩnh Đào là cháu Miên Định (Thọ Xuân Vương), Nguyễn Phước Vĩnh Thụy (Vua Bảo Đại) là cháu của Miên Tông (Vua Thiệu Trị). Tác giả Vĩnh Đào là người trong hoàng tộc, đồng thời là một nhà nghiên cứu nên các thông tin về Vua Bảo Đại và triều Nguyễn dưới thời Bảo Đại được ông tổng hợp và phân tích mang tính am hiểu sâu sắc. Cùng với đó, việc ông sinh sống và làm việc ở Pháp cũng là một điều kiện thuận lợi trong quá trình tìm hiểu, sưu tầm, tra cứu tư liệu về Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương. Nhờ vậy, cuốn sách này không chỉ cung cấp thông tin phong phú, có giá trị mà còn mang lại nhiều thông tin mới về: ngày tháng năm sinh chính thức, quê quán thực sự của Hoàng hậu Nam Phương; đóng góp của bà cho an sinh xã hội ở Việt Nam; quan hệ của bà với giới thượng lưu, quý tộc Pháp; những công việc triều chính của Vua Bảo Đại; thực hư về những câu chuyện tình cảm của Vua Bảo Đại và đặc biệt là quãng thời gian 16 năm ở Pháp của gia đình Hoàng hậu Nam Phương…
Hy vọng cuốn sách Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại – gắn liền với hành trình ba năm “theo dấu” của hai tác giả Vĩnh Đào, Nguyễn Thị Thanh Thúy để lý giải những thông tin bất nhất về cuộc đời vua và hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn – sẽ cung cấp nhiều tư liệu hữu ích cho các quý độc giả quan tâm. Tuy nhiên, chúng tôi xin lưu ý, đây không phải là công trình nghiên cứu lịch sử chuyên khảo, mà chỉ là một cuốn tư liệu lịch sử về cuộc đời Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương, được thể hiện dưới góc nhìn và lập luận của cá nhân tác giả.
Nhận xét đánh giá