-
174/3 Điện Biên Phủ, P17, Bình Thạnh, TP. HCM
- Hotline: 028 66 832 872
174/3 Điện Biên Phủ, P17, Bình Thạnh, TP. HCM
Vận chuyển toàn quốc
Bọc sách theo yêu cầu
Sách tri thức và học thuật
Giao hàng trên toàn quốc
Sưu tầm sách quý, sách cổ
Ấn bản bìa mềm, bìa cứng, bìa da
Lời nói đầu
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1945), châu Á được xem là mục tiêu hướng đến của Australia và đến thập niên 90 có thể coi như giai đoạn hoàn thiện “Chính sách hướng Á” của quốc gia này. Đặc biệt, sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc (1991), Australia đã có những nỗ lực cụ thể để hiện thực hóa tư duy hướng Á, được đề xuất trong thập niên 70 của thế kỷ XX.
Đứng trước bối cảnh mới gắn liền với thời cơ và thách thức mới, Australia xem khu vực Đông Nam Á gắn liền với những lợi ích chiến lược của mình. Trên cơ sở nhận thức đó, từ đầu thế kỷ XXI, Australia đã có những điều chỉnh chiến lược về mặt an ninh đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đặc biệt là Đông Nam Á - nơi mà Australia đã có những mối liên hệ gián đoạn trong lịch sử. Trong bối cảnh mới, đối với Australia, Đông Nam Á mang đến cơ hội lẫn thách thức; khu vực này vừa là “cửa ngõ” để hội nhập với châu Á, vừa gắn liền với những thách thức về an ninh và phát triển. Sự thịnh vượng (về kinh tế) và vững mạnh (về an ninh) của Australia phụ thuộc vào khả năng hội nhập của quốc gia này với một khu vực có sức phát triển năng động về kinh tế và đang thu hút nhiều luồng đầu tư. Là một điểm nóng chiến lược của Đông Nam Á từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Biển Đông đã và đang trở thành vùng biển của những ưu tiên chiến lược, cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn, mà Australia phải tính toán trong quan hệ quốc tế với các quốc gia tại khu vực.
Về phương diện địa lý, Australia không là bên liên quan trực tiếp trong tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông. Về lý thuyết, Australia không có nhiều quan hệ tới vấn đề Biển Đông. Trong đó, lợi ích chủ yếu của Australia tại Biển Đông dựa trên lập trường bảo đảm tự do và an ninh hàng hải, vốn có liên quan trực tiếp tới giao thương của quốc gia này. Thực tế là, lợi ích của Australia ở Biển Đông không thể hiện cụ thể dưới dạng vật chất, dễ dẫn đến những nhận định thiếu chính xác và có phần chủ quan khi cho rằng Australia không quan tâm hoặc thiếu những chính sách cụ thể trong vấn đề an ninh Biển Đông. Hiện nay, việc nhiều người bày tỏ quan ngại rằng tự do hàng hải bị đe dọa có tác động mạnh mẽ đến giao thương của Australia trên Biển Đông vẫn đang là một vấn đề gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu và hoạch định chính sách của quốc gia này. Do đó, vấn đề Biển Đông với Australia dường như mang ý nghĩa chiến lược hơn là lợi ích trước mắt. Sự “trỗi dậy” (rise) ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc, chiến lược “tái cân bằng” (rebalancing) của Mỹ dưới thời Tổng thống Obama (2009-2017), những chuyển động chính sách khó dự đoán của chính quyền Donald Trump đối với Đông Nam Á nói chung và Biển Đông nói riêng, và sự trỗi dậy của các cường quốc tiềm năng trong khu vực cũng góp phần định hình những cơ sở về mặt nhận thức để Australia chủ động thúc đẩy những nỗ lực cụ thể nhằm đảm bảo an ninh, hòa bình và hợp tác ở Biển Đông.
Với vai trò ngày càng gia tăng, Australia đã trở thành nhân tố đặc biệt quan trọng có tác động đến cấu trúc an ninh tại Biển Đông. Thực tế, vai trò của các cường quốc tầm trung luôn gắn bó chặt chẽ và có tác động đáng kể đến sự vận động và hình thành trật tự khu vực. Mặc dù những tác động này không phải lúc nào cũng thật sự rõ ràng nhưng quá trình định hình và tiến đến hình thành trật tự khu vực luôn có những đóng góp rất quan trọng của các cường quốc tầm trung. Sự tham gia tích cực, thái độ “thờ ơ” hay chối bỏ vai trò của các cường quốc tầm trung trong các vấn đề an ninh khu vực... là cơ sở góp vào mảng màu quan hệ quốc tế tại khu vực. Với vai trò là một cường quốc tầm trung được cộng đồng quốc tế thừa nhận (traditional middle-power) và giữ vai trò “cân bằng mềm” trong quan hệ giữa các chủ thể chính tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Australia được nhìn nhận và đánh giá với vai trò ngày càng cụ thể và tích cực.
Trên cơ sở xác định và làm rõ tầm quan trọng của Biển Đông đối với Australia dựa trên cách tiếp cận đa diện từ an ninh hàng hải, thương mại trên biển, vị thế quốc gia... cho đến sự tương tác của các chủ thể quyền lực tại khu vực, những nỗ lực thúc đẩy hợp tác an ninh ở Biển Đông của Australia hiện nay sẽ được làm rõ. Có hai nguyên nhân mang tính nền tảng và tiêu biểu cho sự tham dự (involve) với tính chất tích cực và tiệm tiến của Australia vào vấn đề Biển Đông, đó là lợi ích về an ninh và kinh tế. Tiếp cận trên cơ sở thực tiễn triển khai các chính sách, có thể nhận xét một cách khách quan và thực tế rằng Australia đã và đang có những đóng góp tích cực vào quá trình thúc đẩy một Biển Đông an ninh và thịnh vượng.
Trong quá trình thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông và tìm kiếm những giải pháp khả dĩ có thể thúc đẩy Biển Đông trở thành vùng biển của những hoạt động hợp tác thay cho các hoạt động có thể gia tăng sự thiếu vắng lòng tin và các tranh cãi (thậm chí tranh chấp), Australia có cách tiếp cận ngày càng gần gũi trên tinh thần tôn trọng độc lập chủ quyền và ủng hộ tầm nhìn về một Biển Đông hòa bình, thịnh vượng của Việt Nam. Sự tương đồng về nhận thức và những lợi ích chiến lược đã giúp Australia và Việt Nam xích lại gần nhau, từ các tuyên bố của các nhà lãnh đạo đến các chương trình phối hợp làm việc chung trong các nỗ lực thúc đẩy hợp tác về an ninh tại vùng biển này. Từ năm 2009, quá trình này càng được thể hiện rõ rệt và được phát triển trên tinh thần nhìn nhận Biển Đông gắn với tham vọng và sự “trỗi dậy” của Trung Quốc. Vì lẽ đó mà những đóng góp của Australia, từ năm 2009 trở về sau, được phản ánh rõ nét và phong phú hơn.
Cuốn sách “Biển Đông trong “Chính sách hướng Á” của Australia từ góc nhìn cường quốc tầm trung”- được tác giả tập hợp và biên tập lại từ các bài viết, tham luận hội thảo đã được xuất bản trên các tạp chí chuyên ngành và các hội thảo khoa học, tập trung phân tích tầm quan trọng đa chiều kích của Biển Đông trong “chính sách hướng Á” của Australia từ sau Chiến tranh lạnh và những động thái chính sách của Australia hiện nay góp phần thúc đẩy quá trình hợp tác và giải quyết xung đột ở Biển Đông từ góc nhìn của một cường quốc tầm trung (middle-power) đang tạo được nhiều dấu ấn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Những tranh luận với các quan điểm đa chiều về lợi ích, vai trò và hành động của Australia tại Biển Đông, về lý thuyết và trên thực tiễn, cũng được giới thiệu để qua đó giúp người đọc có những hiểu biết phong phú hơn về tầm nhìn của Australia đối với Biển Đông - khu vực có nhiều diễn tiến phức tạp với sự đan cài lợi ích cũng như hệ quả là sự tham dự của nhiều chủ thể quan hệ quốc tế tại đây. Song song đó, sự tham dự của Australia vào khu vực Biển Đông được tiếp cận từ góc nhìn địa chính trị (geopolitics), như là sợi chỉ đỏ cho các luận giải và phê phán. Trong trường hợp Australia, địa chính trị mang nhiều gợi mở liên quan đến cả ưu thế lẫn hạn chế của quốc gia này, và qua đó chi phối đáng kể tư duy tham dự của Australia vào Biển Đông. Trên cơ sở đó, cuốn sách cũng dành một dung lượng cần thiết để tập trung phân tích và luận giải thực tế hợp tác giữa Australia và Việt Nam trong vấn đề thúc đẩy an ninh Biển Đông, cũng như tác động của các nỗ lực này đến quan hệ quốc tế tại khu vực.
Sự tham dự của Australia, bên cạnh sự thôi thúc từ những lợi ích mà an ninh Biển Đông mang lại, còn được thúc đẩy bởi vị thế cường quốc tầm trung; do đó mà, có lẽ, nên hiểu rằng sự tham dự này phản ánh tính liên kết giữa thực tế quyền lợi và lý tưởng tinh thần của Australia. Trên thực tế, vấn đề hợp tác và cạnh tranh tại Biển Đông đã thu hút nhiều nghiên cứu chuyên sâu, tuy nhiên, lợi ích, vai trò và sự tham dự trên thực tế của Australia, trong vai trò là một cường quốc tầm trung hạt nhân tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vào Biển Đông chưa được nghiên cứu như một công trình hoàn chỉnh. Cuốn sách này đóng góp vào mảng khuyết đó, và cũng vì thế mà, chắc chắn có những thiếu sót hay các quan điểm mà người đọc chưa hẳn đã đồng tình hay chia sẻ với những luận giải mà tác giả đã trình bày. Những đánh giá và dự báo về tương lai địa chính trị Biển Đông chỉ mang tính tương đối vì chính trị khu vực và thế giới không bao giờ đi theo một đường thẳng, vì thế mà gây nhiều khó khăn cho những tính toán chiến lược. Tuy vậy, xem xét những gì mà Australia đã làm được (kể cả thành tựu lẫn hạn chế) và những kỳ vọng là cơ sở tốt nhất để nhận thức về tương lai trung hạn, dẫu rằng hoàn toàn không nên chỉ nghĩ theo một chiều hướng. Từ cơ sở nhận thức đó, tác giả rất mong muốn nhận được những đóng góp, trên tinh thần phê phán và xây dựng, để các nghiên cứu về sau, liên quan đến chủ đề này, hoặc được mở rộng ở đối tượng hay phạm vi, sẽ hoàn thiện hơn.
TP. Hồ Chí Minh, tháng 10 năm 2018
Huỳnh Tâm Sáng
Nhận xét đánh giá