“Tôi có một giấc mơ!”, đó là lời nói của Tiến sĩ Martin Luther King Jr. Giấc mơ của bạn là gì? Hy vọng của bạn là gì? Không có gì mạnh mẽ hơn một cuộc sống đầy hy vọng.
Hằng ngày, tôi nhận được những lá thư từ những người trẻ khắp thế giới, và tôi nói chuyện với những chàng trai, cô gái trẻ bất cứ khi nào tôi có dịp. Tôi thấy nhiều người trẻ tràn đầy hy vọng và nhiệt huyết, song những người khác mà tôi tình cờ gặp thì lại có vẻ như trĩu nặng những ưu phiền thuộc loại này hay loại khác. Tuổi trẻ là một thời cho sự phát triển và thay đổi, nhưng nó cũng có thể là một thời của những lo âu to lớn. Những người trẻ nhiều khi cảm thấy bất an trong xã hội, như thể là họ bị bỏ rơi một mình trong một vùng hoang dã hay một bãi chiến trường nào đó. Họ có thể cảm thấy không có ai mà họ có thể tin cậy, rằng không ai quan tâm đến họ, rằng họ không có mục đích nào trong đời.
Nhưng hãy suy nghĩ lại! Bạn hiểu chính mình như vậy là có đúng không? Bạn có nên đánh giá quá thấp những khả năng của mình? Không có ai mà lại không có sứ mệnh nào đó, mục đích nào đó trên thế gian này. Và cảm thức này về sứ mệnh và mục đích là cái sẽ đem lại ý nghĩa và sự thỏa mãn chân thực cho đời người.
Khi tôi 19 tuổi, tôi gặp Josei Toda, người đã trở thành vị ân sư suốt cuộc đời tôi. Ngay cả bây giờ tôi vẫn chưa thể quên, và sẽ không bao giờ quên những lời nói từ ái mà ông đã nói với tôi cách đây hơn 40 năm, khi tôi đang trải qua một giai đoạn rất khó khăn. “Daisaku,” ông nói, “những người trẻ phải có những rắc rối của họ. Những rắc rối là cái biến ta thành một con người hạng nhất!”
Mọi buổi sáng, ngay cả vào Chủ nhật, ông Toda đóng vai như là gia sư của tôi, dạy tôi về mọi loại đề tài. Và theo cách tương tự, tôi đã cố gắng nói chuyện với những người trẻ bất cứ khi nào tôi có cơ hội. Từ những cuộc thảo luận đó mà có ra chất liệu trong cuốn sách này. Phần lớn những cuộc thảo luận, dĩ nhiên là với những người trẻ Nhật Bản. Song những đề tài mà chúng tôi thảo luận – gia đình, bạn bè, những ước mơ, những mục đích trong đời – tôi chắc rằng đó là những mối quan tâm chung của những người trẻ khắp mọi nơi trên thế giới.
Tôi và những người trẻ mà tôi trò chuyện, trong hầu hết các trường hợp, đều có điểm chung là thực hành Phật giáo Nichiren. Nichiren là một vị ân sư và là một nhà cải cách Nhật Bản sống vào cuối thể kỉ 13. Nichiren đã dạy rằng một đời người có một tiềm năng vô hạn, và ông đã phát hiện ra con đường có thể tiếp cận dễ dàng; theo con đường đó, mọi người có thể nuôi dưỡng tiềm năng và tìm thấy hạnh phúc thực thụ trong đời - con đường mà ông đã tìm thấy được từ Kinh Pháp hoa.
Triết lý này, được dạy bởi Nichiren, đặt nền tảng trên việc tuyệt đối kính trọng sự sống và giá trị của mỗi cá nhân. Và bởi vì tôi hy vọng chia sẻ triết lý có giá trị phổ quát này với những bạn đọc bình thường tại Mỹ và tại những nước nói tiếng Anh khác, nên tôi đã yêu cầu các biên tập viên của nhà xuất bản Middle Way giúp tôi sắp xếp lại cuốn sách này và dịch ra Anh ngữ, dựa trên một loạt những buổi nói chuyện mà tôi đã có với những học sinh trung học.
Đương nhiên là một vài trong những câu hỏi được nêu ra trong những cuộc thảo luận này tỏ ra rất khó trả lời – bởi vì tôi không phải là một chuyên gia trong những lãnh vực mà họ đề cập. Tôi ước mong là tôi đã có thể trực tiếp nói chuyện với mỗi người trẻ và thấu hiểu cái mà đang gây khó khăn cho họ; rồi sau đó, có lẽ tôi sẽ có thể hiến tặng một câu trả lời triệt để hơn cho mỗi câu hỏi. Nhưng tôi hy vọng rằng, những ý tưởng của tôi trên những vấn đề được nêu ra, sẽ giúp mang đến cho bạn đọc một nhãn quan mới mẻ trên từng vấn đề, một cách nghĩ mới mẻ về nó. Và nơi nào dính líu tới những vấn đề có tính chất đặc biệt, tôi động viên những người trẻ tìm kiếm lời khuyên của những người lớn tuổi hơn mà họ có thể tin cậy.
Những thiên tài và những người có tài năng xuất chúng chỉ là một thiểu số nhỏ, đại đa số của xã hội thì được cấu thành bởi những người bình thường, mộc mạc. Tôi là một người bình thường với một hoàn cảnh không có gì đặc biệt. Trong tuổi trẻ, tôi đã đối mặt với cùng những vấn đề mà phần lớn những người trẻ đối mặt – mặc dù, bởi vì thuở đó tôi đang sống tại Nhật trong giai đoạn ngay sau Thế chiến II, tôi đã trưởng thành trong một môi trường bị chiến tranh tàn phá. Cuốn sách này được viết ra với hy vọng rằng những người trẻ có thể thu được lợi lạc từ lời khuyên của một ai đó giống như tôi, có một chút kinh nghiệm nhiều hơn họ. Thay vì là những bài giảng đạo được thuyết giảng bởi một người tự cho rằng mình có sự hiểu biết nào đó ưu việt hơn, tôi hy vọng bạn đọc sẽ chấp nhận những điều tôi đã viết như là lời khuyên từ một kẻ mà đã đi xa hơn họ một chút trên đường đời.
Một trong những mục đích của tôi trong đời là giúp những người trẻ tìm thấy niềm hy vọng và lòng tự tin vào tương lai của họ. Chính bản thân tôi có niềm tin tưởng vô hạn vào thế hệ trẻ và do vậy tôi nói với họ: “Bạn là niềm hy vọng của nhân loại! Mỗi người trong các bạn có một tương lai tươi sáng ở phía trước. Mỗi người trong các bạn có một tiềm năng quý giá đang chờ đợi được phát triển. Thành công của bạn, sự chiến thắng của bạn sẽ là sự chiến thắng của tất cả mọi chúng ta. Chiến thắng của bạn sẽ dẫn đường trong thế kỷ này - thế kỷ của hòa bình và nhân tính, thế kỷ quan trọng nhất cho toàn nhân loại.”
Xin gởi đến bạn lời chúc chân thành nhất của tôi: Chúc bạn mạnh khỏe, tiến bước vững vàng và luôn thành công trong mọi nỗ lực của mình.
- Daisaku Ikeda
Về tác giả
Daisaku Ikeda, sinh ngày 2 tháng 1 năm 1928 tại Tokyo, Nhật Bản, là một nhà xây dựng hòa bình, nhà triết học Phật giáo, nhà giáo dục, tác giả và nhà thơ. Ông trở thành Chủ tịch thứ ba của Soka Gakkai vào năm 1960 và được tôn trọng là một trong ba Chủ tịch Sáng lập — cùng với Tsunesaburo Makiguchi và Josei Toda — nhờ khả năng lãnh đạo vô song và đóng góp của ông cho sự phát triển của tổ chức trên toàn thế giới. Ông cũng là Chủ tịch của Soka Gakkai International (SGI), một hiệp hội quốc tế của Soka Gakkai, kể từ khi thành lập vào năm 1975. Soka Gakkai là một tổ chức Phật giáo dựa trên cộng đồng toàn cầu nhằm thúc đẩy hòa bình, văn hóa và giáo dục tập trung vào sự tôn trọng phẩm giá của cuộc sống.
Kể từ năm 1983, Ikeda đã đưa ra một đề xuất hòa bình hàng năm đề cập đến các chủ đề như bãi bỏ vũ khí hạt nhân, đối thoại và hợp tác quốc tế, bảo tồn môi trường và nhân quyền. Để ghi nhận những nỗ lực của ông trong việc thúc đẩy hòa bình, ông đã được trao tặng Huân chương Hòa bình của Liên Hợp Quốc vào năm 1983 và Giải thưởng Nhân đạo của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn vào năm 1989.
Ikeda đã được trao tặng khoảng 400 bằng danh dự và danh hiệu học thuật từ các trường đại học và học viện đào tạo đại học trên khắp thế giới.
Nhận xét đánh giá