-
174/3 Điện Biên Phủ, P17, Bình Thạnh, TP. HCM
- Hotline: 028 66 832 872
174/3 Điện Biên Phủ, P17, Bình Thạnh, TP. HCM
Cuốn sách “Đường sống”, tập văn thư nghị luận của đại thi hào Nga Lev Tolstoi do Nhà xuất bản Tri thức vừa phát hành đã được giới thiệu tại Hội thảo nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của ông, diễn ra vào chiều 8-12, tại trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Tại Hội thảo, nhà nghiên cứu Phạm Vĩnh Cư, nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, Tiến sĩ Chu Hảo đã tọa đàm với độc giả về thân thế và sự nghiệp của nhà tư tưởng Lev Tolstoi. Ngoài ra, độc giả được mục sở thị những cuốn sách, ảnh quý của Lev Tolstoi đã phát hành tại Việt Nam từ trước đến nay. Chương trình do Nhà xuất bản Tri thức, trường Đại học Hà Nội, diễn đàn Sachxua.net tổ chức.
Lev Tolstoi là một thiên tài, triết gia và nhà tư tưởng xã hội lỗi lạc, người đã cống hiến to lớn không chỉ cho văn học thế giới mà còn cho sự nghiệp đấu tranh vì một tương lai tươi sáng của nhân loại, không có bạo lực và chiến tranh, không có áp bức bóc lột.
“Công luận thế giới đánh giá cao sự nghiệp của Lev Tolstoi, coi ông là một trong những nghệ sĩ ngôn từ lớn nhất của loài người đồng thời là một nhà cải cách tôn giáo đã sáng lập ra môn học thuyết tôn giáo mới dành cho toàn thể loài người, không phân biệt dân tộc, quốc gia, đẳng cấp xã hội”, nhà nghiên cứu Phạm Vĩnh Cư khẳng định.
Đánh giá về tư tưởng giáo dục luôn đi trước thời đại của nhà văn Lev Tolstoi, nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi nhấn mạnh: “Lev Tolstoi là một nhà văn vĩ đại ai cũng biết nhưng ông còn là một nhà tư tưởng sư phạm lớn. Học thuyết về tư tưởng giáo dục của ông đã đi trước thời đại hàng trăm năm. Đối lập với giáo dục áp chế, Tolstoi đề xuất nguyên lý giáo dục tự do. Ông quan niệm giáo dục tự do không theo nghĩa tự do chủ nghĩa mà theo nghĩa phát triển tự nhiên các năng lực, trí tuệ và tinh thần của đứa trẻ. Tolstoi cho rằng mục tiêu của giáo dục không phải là bản thân kiến thức, vốn chỉ là phương tiện, cho nên kiến thức không phù hợp phải thay đổi ngay. Giáo dục là bằng kiến thức phù hợp làm thức tỉnh bản tính nhân ái tiềm tàng trong mỗi đứa trẻ, giúp nó phát triển hài hòa các năng lực trí tuệ và tinh thần phục vụ cho cuộc sống đích thực của nó trong cộng đồng sau này”.
Nói về những tư tưởng nhìn xa trông rộng của đại thi hào Nga, Tiến sĩ Chu Hảo nhận xét: “Một thế kỷ đã trôi qua mà di sản tinh thần, tư tưởng của Lev Tolstoi tưởng chừng vẫn chưa được phát lộ hết và loài người còn phải lớn lên hơn nữa để thực sự hiểu được Tolstoi , đó là lời khẳng định của Guseinov, một nhà triết gia Nga đương đại. Quan điểm của Tolstoi về khoa học, công việc nghiên cứu khoa học, người làm khoa học và ý nghĩa của khoa học đối với tiến bộ xã hội rất đặc biệt, sâu sắc nhưng có phần cực đoan và xa lạ với những người đương thời.
Ngày nay nhìn lại chúng ta không khỏi ngạc nhiên nhận ra rằng những quan ngại của ông về những vấn đề nêu trên vẫn còn nguyên giá trị. Xuất phát từ quan điểm Duy phúc lợi cho nhân dân mà Tolstoi đã chỉ trích không thương tiếc đối với tầng lớp ngụy khoa học đương thời. Trong mắt ông không có sự khác biệt nào về giá trị hữu dụng giữa một người lao động trí óc và người lao động chân tay”. Trong khuôn khổ Hội thảo, Ban tổ chức giới thiệu với độc giả cuốn “Đường sống” là cuốn sách cuối cùng trong sự nghiệp sáng tác của Lev Tolstoi. Điểm đặc biệt cuốn sách này rất giàu ý nghĩa, nói về các phương diện, lĩnh vực của cuộc sống. Các câu châm ngôn của ông vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay.
Đọc cuốn sách này, độc giả sẽ cảm nhận thấy Tolstoi là một bậc thầy siêu đẳng về thư từ. Những bức thư của ông viết cuốn hút người đọc bởi sự phong phú của ngôn từ và mang tính giáo dục sâu sắc. Một vấn đề quan trọng mà Lev Tolstoi luôn đau đáu trong suốt cuộc đời đó là vấn đề đạo đức con người, làm sao để con người có đạo đức đích thực và sống đúng với chuẩn mực đó. Vì vậy hầu hết những trang viết của ông đều xoay quanh vấn đề đạo đức làm người. Các sáng tác của Lev Tolstoi đã được dịch ra tiếng Việt và được đông đảo độc giả Việt Nam ưa thích. Những áng văn chương, tác phẩm nghị luận ...của ông mãi là cuốn “cẩm nang” cần thiết cho các thế hệ sau này và trường tồn trong lòng độc giả khắp năm châu. Khánh Huyền
Đạo đức con người trong những trang viết của Lev Tolstoi
Bình luận