-
174/3 Điện Biên Phủ, P17, Bình Thạnh, TP. HCM
- Hotline: 028 66 832 872
174/3 Điện Biên Phủ, P17, Bình Thạnh, TP. HCM
Sách tri thức và học thuật
Giao hàng trên toàn quốc
Sưu tầm sách quý, sách cổ
Ấn bản bìa mềm, bìa cứng, bìa da
Giáo Dục Một Góc Nhìn Bao Dung
Tác giả: Nguyễn Minh Thanh
Dịch giả:
Nxb: Đồng Nai
Kích thước: 14.5 x 20.5 cm
Số trang: 221
Loại bìa: Bìa mềm
Năm xuất bản: 2024
GIÁO DỤC: MỘT GÓC NHÌN BAO DUNG
Tập sách là những trăn trở, suy tư suốt 10 năm quan sát, viết báo của tác giả trong lĩnh vực giáo dục. Bên cạnh đó, trong cương vị là một giáo viên trung học, tác giả Nguyễn Minh Thanh đã có những phản biện trực tiếp về chính sách giáo dục, về chương trình giảng dạy và phương pháp...
Tuy vậy, các bài viết không chỉ hạn hẹp ở phạm vi ngôn ngữ chuyên môn, hàm ý trao đổi chính sách giáo dục mà hơn thế tác giả chia sẻ góc nhìn về con người. Giáo dục thông qua sự dạy - học trong bao dung, cá biệt hóa cũng như tôn trọng sự "thoát ra" của người học và người dạy.
Lời giới thiệu
Giáo dục hiện đại là quá trình tương tác giữa các chủ thể, bao gồm người giáo dục và người được giáo dục cũng như giữa người dạy và người học. Tiến trình giáo dục do các chủ thể tiếp nhận và điều chỉnh cho phù hợp trong mỗi giai đoạn thời gian. Tiến trình ấy, chân lý không còn thuộc hoàn toàn về người thầy người dạy. Rất nhiều ý tưởng và sáng tạo mới được phát hiện đi lên hình thành từ khám phá, khơi gợi và kể cả kiểm chứng từ người được giáo dục người học.
Nhiều mô hình giáo dục hiện đại được kiểm chứng, phổ biến và đưa vào các quốc gia khác nhau trên khắp thế giới. Tuy vậy, xu hướng hiện nay, giáo dục theo hướng cá nhân hóa đang được nhìn nhận như một sự tôn trọng nhất định khi đánh giá vị trí người được giáo dục/người học trong tiến trình giáo dục.
Tác giả sử dụng thuật ngữ “người được giáo dục” chứ không phải “học sinh” vì lẽ rằng, trong quá trình giáo dục hiện nay, có thể học sinh lại khơi gợi về một nhân tố giáo dục nào đó đánh thức sự tự giáo dục của người thầy và như thế “người được giáo dục” lại là người thầy. Tương tự như vậy, thuật ngữ “người học” bao gồm cả thầy và trò cùng nhau học kiến thức và kỹ năng, không chỉ có “học sinh” mới cần học. Trong quá trình dạy và học, “người dạy” lại có thể là “người học” một cách tự nhiên mà không cảm thấy hay nhận ra là mình đang học.
Thiết nghĩ rằng, môi trường giáo dục nên là nơi tôn trọng cái cá biệt một cách tối đa và phẩm hạnh con người phải được đề cao. Vì vậy, sự bao dung đòi hỏi người dạy phải đặt mình vào vị trí người học, suy nghĩ và làm chậm lại việc đưa ra một quyết định nhằm suy xét kỹ hơn trong những tình huống có thể gây lên ảnh hưởng tiêu cực tới người học.
Trong môi trường giáo dục, giáo viên là một chủ thể vô cùng quan trọng, việc đưa ra một phương pháp giáo dục chung cho tất cả học sinh là điều giáo viên gần như chưa thể. Việc này đòi hỏi người giáo viên phải thiết kế giáo án và phương pháp rất riêng và đặc thù với một số học sinh khác biệt là rất khó khăn. Đôi khi, sự bất lực trong việc tìm ra phương pháp sẽ dẫn tới xung đột giữa thầy và trò. Người làm giáo dục hãy thôi than phiền về học sinh thế này hay thế khác! Và, cũng đừng nhầm lẫn, đánh giá một đứa trẻ nào là ngoan hay chưa ngoan trong các giai đoạn phát triển khác nhau, tránh làm thương tổn tâm hồn trẻ về các hành vi "khác người lớn" trong độ tuổi phát triển nhận thức. Vì thế, đôi khi chỉ bằng một lời động viên đơn giản cũng giúp một học sinh nào đó can đảm bước về phía trước. Theo đến cùng những học sinh khác biệt, đó mới là thành công của một người giáo viên. Ở một môi trường giáo dục khác, đó là gia đình. Chúng ta không cổ vũ phá vỡ thứ bậc hay tôn ti trật tự, nhưng cần thay đổi cách tiếp cận đối với vị trí của từng thành viên trong gia đình, tương tác tích cực hơn, cởi mở hơn với nhau để lắng nghe và tôn trọng nhau. Bao nhiêu đau thương nơi người trẻ đều có nguồn gốc một phần từ gia đình, nơi sự yêu thương và thông hiểu đang vơi đi.
Cuốn sách mà bạn đọc đang cầm trên tay là các bài viết tác giả tổng hợp gần 10 năm viết báo. Tác giả may mắn ở vị trí là một giáo viên, sống trực tiếp trong môi trường giáo dục và theo dõi gián tiếp hoạt động giáo dục tổng quan. Xin gởi gắm tấm lòng và góc nhìn của tác giả tới bạn đọc quan tâm tới lĩnh vực giáo dục, một lĩnh vực rất được xã hội chúng ta đang quan tâm. Mỗi bài viết là một câu chuyện, đi từ nhà trường tới gia đình và ngược lại, được chắt lọc kỹ càng.
Bố cục cuốn sách được chia làm ba phần, nhằm giúp bạn đọc dễ theo và có thể đọc từng phần hay đọc từng bài trong đó, cụ thể:
- Giáo dục cá biệt hóa
- Câu chuyện bao dung trong học đường
- Các gợi ý về giáo dục
Sài Gòn, tháng 08/2023
Nhận xét đánh giá