Thần học (theo-logos) từ thời Cổ đại đã được hiểu là lời & lý lẽ “của” Thần thánh, nhưng đến thời Trung Cổ thì mang thêm ý nghĩa là lời & lý lẽ “về” Thiên Chúa. Giữa hai ý nghĩa này là những thay đổi trong chuỗi tương tác giữa các yếu tố mà qua lịch sử đã tạo nên nền thần học Kitô giáo. Sở dĩ có sự thay đổi là vì mọi ngôn ngữ về Thiên Chúa đều là sự kết nối giữa hai về: một bên là truyền thống và biểu tượng tôn giáo. Kinh Thánh, mặc khải hay đức tin, và bên kia là tình huống xã hội, kinh nghiệm sống,ngôn ngữ triết học hay lý trí. Ngoài ra, còn có yếu tố thứ ba thiết yếu cho thần học, đó là lý thuyết hậu cảnh hay phương pháp mà thần học gia dùng để kết nối hai vế trên đây. Lý thuyết hậu cảnh có thể là phạm trù tri thức, phương pháp suy tư thần học, hay quan điểm của giáo quyền. Lý thuyết hậu cảnh điều phối sự tương tác giữa hai về ở trên sao phù hợp với nhu cầu và tình huống đức tin hiện tại. Cả ba yếu tố đều hiện diện qua nhiều hình thức khác nhau trong lịch sử. Tuy nhiên yếu tố thứ ba thường chỉ được nhận ra sau khi các giả định trong thần học cũ không còn thích hợp, và được thay thế bằng một lý thuyết hậu cảnh mới.
Nghiên cứu về bản chất tương quan của thần học là việc tìm hiểu các nét đặc thù, phong phú và đa dạng mà ngôn ngữ về Thiên Chúa đã để lại. Chúng ta sẽ quan sát cách cụ thể các biến chuyển trong nhu cầu của đức tin như: biện minh cho sự tồn tại của Giáo hội, hỗ trợ cho các nhu cầu cho đời sống đức tín, minh chứng tính hợp lý của đức tín, khẳng định vị thế khoa học của thần học, củng cố vai trò của thẩm quyền Giáo hội, đáp ứng nhu cầu đa dạng của lý tính, và khai triển ngôn ngữ tôn giáo cho thích ứng với bối cảnh văn hóa. Từ đó chúng ta mới có thể nhận diện các hình thức tương quan đã xuất hiện trong lịch sử suy tư thần học. Chúng ta sẽ thấy, dưới ánh sáng của mặc khải, con người đã dùng mọi loại ký hiệu biểu tượng, phạm trù triết học và ngay cả sự tính lặng để “nói với” và “nói về” Thiên Chúa, thích ứng cho mọi hoàn cảnh và tình huống của đức tin.
Chính vì nỗ lực vừa đáp ứng tính khách quan của một khoa học vừa có liên hệ mật thiết với thân phận mong manh của đức tin cho nên thần học phải luôn tồn tại trong trạng thái tương quan cân bằng với các yếu tố khác. Suốt trong quá trình lịch sử của mình, sự tồn tại của thần học đã phải chịu mang tính mơ hồ bất đắc dĩ này. Suy tử thần học đã được ví như là một con thuyền bồng bềnh giữa biển cả sóng dồn hơn là một chiếc kim tự tháp đặt móng nền kiên cố trong lòng đá sâu. Tuy vậy, qua nhiều thế kỷ biến chuyển, thần học cũng xác định được một số hằng tố làm bản chất đồng nhất, đặc thù và kiên định cho mình. Hy vọng tài liệu này sẽ giúp ta nhận định các hằng tố đó.
Nhận xét đánh giá