-
174/3 Điện Biên Phủ, P17, Bình Thạnh, TP. HCM
- Hotline: 028 66 832 872
174/3 Điện Biên Phủ, P17, Bình Thạnh, TP. HCM
Vận chuyển toàn quốc
Bọc sách theo yêu cầu
Sách tri thức và học thuật
Giao hàng trên toàn quốc
Sưu tầm sách quý, sách cổ
Ấn bản bìa mềm, bìa cứng, bìa da
Tư Duy Nguyên Thủy
Tác giả: Franz Boas
Dịch giả: Phạm Minh Quân
LỜI GIỚI THIỆU
Vài thập niên trước đây, giới nghiên cứu văn hóa bắt đầu làm quen với bộ môn Văn hóa học từ Nga trong thời hậu Xô viết. Việt Nam đã dịch nhiều tác phẩm của họ để tham khảo. Bộ môn văn hóa học và mã ngành đào tạo Cao học, Tiến sĩ văn hóa học ra đời. Gần đây chúng ta chú ý hơn đến một bộ môn khác – nhân học văn hóa – từ giới học thuật Anh Mỹ. Đây là kết quả của sự phát triển của nhân học theo các bước nhân học hình thể (trước đây được dịch là nhân chủng học), nhân học xã hội và nhân học văn hóa. Nhân học văn hóa quay lại bàn về tất cả những vấn đề chủng tộc, tâm lý, xã hội qua hệ quy chiếu văn hóa để nêu ra các lý thuyết về nhân học văn hóa nói riêng và nhân học nói chung.
Chúng ta đã biết đến một số nhà nhân học Anh với những công trình nổi tiếng đã được dịch ra tiếng Việt của Tylor, Frazer, Malinowski… Nhưng các học giả Mỹ thì còn chưa được biết đến nhiều. Bởi vậy lần này, Tủ sách Văn hóa học chủ trương dịch và giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu của các nhà nhân học văn hóa Mỹ với người khởi xướng là Franz Boas (1858 – 1942) và các học trò trực truyền và gián truyền của ông, như Robert Lowie (1883 – 1957), Ruth Benedict (1887 – 1948), Margaret Mead (1901 – 1978) và John J. Honigmann (1914 – 1977). Franz Boas sinh ra trong một gia đình Do Thái Đức ở Minden. Gia đình ông đã hòa nhập sâu vào đời sống đương đại của nước Đức và, do đó, bàng quan với mọi tín điều tôn giáo, kể cả Do Thái giáo. Bởi vậy, ngay từ nhỏ cậu bé Franz đã sớm có một suy nghĩ độc lập và khả năng theo đuổi sở thích của mình. Cậu say mê khoa học tự nhiên, đặc biệt lịch sử tự nhiên và sự phân bố thực vật ở các vùng địa lý khác nhau (thực vật học địa lý). Đến tuổi trưởng thành, Boas theo học các ngành vật lý, toán học qua các trường đại học Heidelberg, rồi Bonn và Kiel. Năm 1881, ông nhận bằng tiến sĩ vật lý.
Nhưng rồi mối quan tâm đầu đời của ông sống lại: từ sự say mê địa lý, say mê nghiên cứu thực địa đến say mê các nền văn hóa ngoài phương Tây. Năm 1988, Boas chuyển hẳn đến sinh sống ở Mỹ để có điều kiện nghiên cứu các bộ lạc bản địa Bắc Mỹ. Franz Boas trở thành một học giả miệt mài lao động và cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu, trên nhiều cạnh khía như nhân học hình thể, dân tộc học, ngôn ngữ học về thổ dân Mỹ, cũng như nghệ thuật và văn hóa dân gian của họ. Cứ như vậy, đến đầu thế kỷ XX, Boas trở thành người đi đầu, thủ lĩnh của phong trào nhân học Mỹ. Được phong Giáo sư Nhân học vào năm 1899 tại trường Đại học Columbia, ông thành lập tại đây chương trình đào tạo tiến sĩ Nhân học đầu tiên ở Mỹ. Chỉ mới 48 tuổi, Boas đã được các đồng sự và học trò viết “Sách kỷ niệm,” loại sách tri ân vốn chỉ dành cho các học giả lớn tuổi sắp về hưu. Riêng ông, bên cạnh hàng chục bài báo khoa học và tiểu luận nghiên cứu bằng tiếng Đức, tiếng Anh, Boas còn có nhiều công trình học thuật lớn, tiêu biểu như Tư duy nguyên thủy (The Mind of Primitive Man, 1911, viết lại 1938), Nghệ thuật nguyên thủy (Primitive Art, 1927), Nhân học và đời sống hiện đại (Anthropology and Modern Life, 1928), cuối cùng là Chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa (Race, Language and Culture, 1940) tập hợp các tiểu luận nghiên cứu theo chủ đề. Buổi đầu của nhân học hình thành với xu hướng nhân học phòng giấy, với các học giả ghế bành nổi tiếng như Tylor và Frazer. Bởi bấy giờ, tư liệu do các nhà thám hiểm, những kẻ phiêu lưu, người du lịch, nhà tuyền giáo và kẻ chinh phục… từ bốn phương trên thế giới mang về châu Âu là rất nhiều. Vấn đề còn lại chỉ là sắp xếp, hệ thống hóa và nghiên cứu nó. Xu hướng nhân học này đã cho ra đời những tác phẩm vĩ đại như Văn hóa nguyên thủy của Tylor, Cành vàng của Frazer.
Nhưng, với thời gian, xu hướng nghiên cứu này cũng bộc lộ những nhược điểm của nó. Nghiên cứu trên dữ liệu có sẵn, dù khéo gia giảm đến đâu, rồi cũng rơi vào công thức, sáo mòn. Hơn nữa, lý thuyết dẫn đạo cho các nhà nghiên cứu lúc này là tiến hóa luận của Charles Darwin, từ sinh học chuyển di vào các lĩnh vực xã hội và nhân văn cũng đã trở nên cứng nhắc, kém hiệu quả. Để khắc phục tình trạng này, nhân học thực địa bắt đầu ra đời với một đại biểu xuất sắc là Malinowski. Riêng với Boas, người sống trong lòng thực địa, đã đặt nền móng cho hai đóng góp quan trọng đối với nhân học thực địa và, quan trọng hơn, nhân học văn hóa.
Thứ nhất, Boas đã vận dụng triệt để phương pháp quan sát tham dự do ông sáng lập vào nghiên cứu nhân học. Nhờ đó, những dữ liệu ông thu thập được mang tính cập nhật và sống động. Và, do đó có nhiều phát hiện mới ở đối tượng trong nghiên cứu thực địa.
Thứ hai, những thành tựu mới mẻ này chính là cơ sở vững chắc để Boas kiến lập thuyết tương đối luận văn hóa chống lại tiến hóa luận và thuyết vị chủng bấy giờ vẫn còn thống ngự trong nghiên cứu nhân học bấy giờ. Cụ thể, Boas bác bỏ thứ quá trình phát triển văn hóa theo biên niên lịch đại, từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao, mà đỉnh điểm của tiến trình này là nền văn minh phương Tây, nguồn gốc của Âu tâm luận.
Từ đó, ông đưa ra một phương pháp luận cơ bản trong nghiên cứu nhân học là phải xem xét, đánh giá một văn hóa trong bối cảnh cụ thể của nó, theo những tiêu chí của chính nó, chứ không phải lấy văn minh phương Tây làm hệ quy chiếu. Như vậy, mọi nền văn hóa đều bình đẳng với nhau, không có hơn kém, cao thấp, chỉ có khác mà thôi. Thuyết tương đối văn hóa này, từ đó, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các công trình nghiên cứu văn hóa của nhân học Mỹ. Bằng những công trình đồ sộ giàu phẩm chất lý thuyết của mình, Franz Boas, nhà cách mạng nhân học hiện đại, đã đào tạo và truyền cảm hứng cho cả một thế hệ các nhà nhân học lỗi lạc thế kỷ XX, trước hết là ở Mỹ. Ông đã hình thành một trường phái nhân học riêng của mình, trường phái Boas (Boasian).
Những người học trò đầu tiên của ông, chỉ kể đến những tên tuổi nổi bật, là Alfred Kroeber (1876 – 1960), Ruth Benedict, Margaret Mead và Edward Sapir (1884 – 1939). Người đàn ông thứ nhất, Kroeber, bằng các nghiên cứu về người da đỏ ở California đã đề ra khái niệm vùng văn hóa và mô thức văn hóa. Hai nhà nữ nhân học sau, Benedict và Mead, đã góp phần xác lập trường phái văn hóa và nhân cách, cũng như xây dựng được mô hình tính cách dân tộc. Còn người đàn ông cuối, Sapir, tập trung nghiên cứu ngôn ngữ tộc người và từ đó nêu ra giả thuyết về tính tương đối của ngôn ngữ, hay sự tác động qua lại giữa phạm trù ngữ pháp và mô thức tư duy, ứng xử của người nói thứ ngôn ngữ đó. Kế thừa những phát kiến lý thuyết và thực hành nghiên cứu của Boas, nhất là sự phân chia nhân học thành bốn lĩnh vực khảo cổ, ngôn ngữ, nhân học hình thể và nhân học văn hóa, các học trò của ông, bằng những công trình cũng đã trở thành kinh điển của mình, đã mở rộng, làm phong phú và sâu sắc thêm các cạnh khía của nhân học và cũng tự mình trở thành những bậc thầy.
Trong sự nghiệp của Franz Boas, tác phẩm Tư duy nguyên thủy chiếm một vị trí đặc biệt. Đây là chuyên luận nhân học đầu tiên của Boas, xuất bản năm 1911, nhưng lại là tác phẩm kiến tạo lý thuyết, có tính hệ thống và khái quát nhất. Nó thể hiện toàn bộ quan điểm nghiên cứu và hướng tiếp cận của ông – như thuyết tương đối văn hóa, sự truyền bá văn hóa, đề xuất nghiên cứu nhân học trên bốn lĩnh vực. Thực ra, “tư duy nguyên thủy” là một vấn đề lớn của dân tộc học và nhân học. Khi lần đầu tiên các nhà xã hội học Pháp tiếp xúc với con người và xã hội nguyên thủy, chứng kiến sự tham dự huyền bí ở/của họ thì cho rằng người nguyên thủy chưa/không có tư duy, so với tư duy phương Tây. Lévy-Bruhl trong tác phẩm Kinh nghiệm thần bí và biểu tượng ở người nguyên thủy (L'expérience mystique et les symboles chez les primitifs, 1938) cho rằng tư duy nguyên thủy là tiền – logic. Khoảng hai chục năm sau, một nhà nhân học Pháp khác, Lévi-Strauss, nhờ tiếp xúc với những công trình nhân học của Boas và qua những chuyến đi thực địa ở Mỹ - Latinh, trong tác phẩm Nhiệt đới buồn (Tristes Tropiques, 1955) lại cho rằng tư duy nguyên thủy là logic khác, một logic khác, chứ không phải kém tư duy phương Tây. Thậm chí, trong Định chế totem hiện nay (Le Totémisme aujourd'hui, 1962), Lévi-Strauss còn cho rằng hiện nay trong sự thống ngự của tư duy phương Tây, tư duy nguyên thủy không chỉ vẫn tồn tại, mà còn tồn tại một cách hùng mạnh và/là nguồn gốc của tư duy sáng tạo trong một xã hội đã cùn mòn sáng tạo.
Trở lại công trình Tư duy nguyên thủy của Boas, thì có thể chia các chương trong cuốn sách này thành hai phần. Phần thứ nhất xem xét chủng tộc người trên các phương diện sinh học, di truyền, hình thái học và tâm sinh lý. Phần thứ hai tập trung nghiên cứu khái niệm văn hóa, và biện bác định kiến chủng tộc về trí tuệ cũng như sự ưu trội của một chủng tộc nhất định, cụ thể là người da trắng. Từ những bàn luận về các giả thuyết trước đó, kết hợp với phân tích kết quả nghiên cứu của bản thân và các đồng nghiệp, Boas chỉ ra những vấn đề nhân học cấp bách cần quan tâm và giải quyết thấu đáo triệt để. Lựa chọn nghiên cứu văn hóa của người nguyên thủy trong sự so sánh với người văn minh hiện đại, Boas đưa ra hai luận điểm: một, các yếu tố hình thể và di truyền không quyết định khả năng trí tuệ của con người, và hai, người nguyên thủy có sự kiểm soát các thôi thúc bản năng cũng như có năng lực lập luận lý trí. Sự khác biệt giữa người nguyên thủy và người văn minh là hoàn toàn không đáng kể. Xem xét văn hóa trong mối tương quan với chủng tộc và ngôn ngữ, Boas nhận thấy rằng sự phát triển của văn hóa đơn thuần là một hiện tượng phụ thuộc vào những nguyên nhân lịch sử, thay vì chủng tộc. Dựa trên việc chứng minh những khác biệt hành vi con người là kết quả của những ảnh hưởng văn hóa khác nhau, thay vì là do các yếu tố di truyền sinh học quy định, Boas đã xây dựng văn hóa như một khái niệm trung tâm của nhân học, nhằm lý giải những khác biệt hành vi giữa các nhóm người khác nhau. Dưới góc độ nhân văn, Franz Boas còn là một người đấu tranh cho tự do tri thức và bình đẳng người. Ông tận hiến cho hai điều, học thuật thuần túy và tự do tâm hồn, cũng như sự độc lập của các mối quan tâm cá nhân trước mọi quyền lực toàn trị.
Bởi vậy, Boas kiên định đấu tranh bảo vệ cho những gì ông tin là đúng, chống lại những định kiến phân biệt chủng tộc, những nhà nhân học và nhà nghiên cứu dân gian sử dụng các công trình của mình phục vụ mục đích tuyên truyền chính trị, đồng thời giúp đỡ các nhà nghiên cứu phản Phát xít đào thoát khỏi nước Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Tư tưởng này đặc biệt được thể hiện trong chương cuối của tác phẩm, thông qua phân tích tình trạng phân biệt chủng tộc ở Mỹ, với hy vọng nhân học sẽ góp phần mang lại sự bình đẳng và đồng cảm giữa các nền văn hóa khác nhau trên thế giới, bởi trong quá khứ họ đều góp một phần cho sự phát triển chung của văn hóa nhân loại. Mang công trình của Franz Boas và của các học trò của ông đến với bạn đọc Việt Nam, chúng tôi muốn giới thiệu nhân học và nhân học văn hóa Mỹ, một mảng tri thức quan trọng vẫn còn ít nhiều bị khuất lấp. Hơn nữa, ở học thuật phương Tây, nhất là từ phương diện lý thuyết, công trình sau bao giờ cũng có sự kế thừa của công trình trước, hiện đại bắt nguồn từ cổ điển, nên không thể “đốt cháy giai đoạn,” không sợ “cũ người mới ta.” Bởi vậy, việc dịch các công trình của nhân học Mỹ lúc này là một bổ sung quan trọng.
Từ đây, chúng ta có điều kiện để so sánh nhân học Mỹ với văn hóa học Nga, xã hội học nguyên thủy và dân tộc học Pháp trong một cái nhìn toàn bộ, nhất là trong bối cảnh văn hóa hậu hiện đại hiện nay.
Đỗ Lai Thúy
Nhận xét đánh giá