-
174/3 Điện Biên Phủ, P17, Bình Thạnh, TP. HCM
- Hotline: 028 66 832 872
174/3 Điện Biên Phủ, P17, Bình Thạnh, TP. HCM
Vận chuyển toàn quốc
Bọc sách theo yêu cầu
Sách tri thức và học thuật
Giao hàng trên toàn quốc
Sưu tầm sách quý, sách cổ
Ấn bản bìa mềm, bìa cứng, bìa da
Tuổi trưởng thành ở Samoa
Tác giả: Margaret Mead
Dịch giả: Phạm Minh Quân
Một hòn đảo nhiệt đới nhỏ, tọa lạc trên biển Nam Thái Bình Dương, xa muôn trùng khơi khỏi đất liền lục địa, là nơi cư ngụ của những người thổ dân Samoa. E ấp giữa hàng cọ xanh rì những mái nhà lợp rạ, cuộc sống thường ngày bình dị nhưng đầy chất thơ của người Samoa hiện lên dưới ngòi bút bay bổng của Margaret Mead. Tại sao, một trong những trụ cột khai phóng nền nhân học Mỹ, và là nữ học giả ưu tú đầu tiên đầu thế kỷ XX, lại chọn con người biệt lập nơi đây làm đối tượng nghiên cứu? Tuổi trưởng thành ở Samoa (Coming of Age in Samoa) được xuất bản lần đầu năm 1928. Đặt trong một sự nghiệp bề bộn với số lượng công trình đồ sộ của Margaret Mead (1901 – 1978), thì nó đạt hai tiêu chí hàng đầu. Thứ nhất, nó là luận án tiến sĩ kiêm chuyên luận đầu tiên được trình làng của Mead, khi bà chỉ mới 27 tuổi. Sau khi tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Barnard, bà tiếp tục lấy bằng Thạc sĩ tại trường Đại học Columbia. Cần nói thêm về Đại học Columbia, nơi đây có thể coi là cái nôi của nhân học văn hóa, với khoa Nhân học do Franz Boas, người được mệnh danh “ông tổ của nhân học Mỹ” đứng đầu, quy tụ những môn đệ toàn bích như Ruth Benedict, Alfred Kroeber, Edward Sapir và Robert Lowie. Họ đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của nhân học, về mặt lý thuyết, từ nhân học hình thể (ở ta dịch là nhân chủng học) trở thành nhân học xã hội, rồi nhân học văn hóa, còn về mặt thao tác, từ dân tộc học trở thành sự quyện dung cách tiếp cận của bốn lĩnh vực (hình thể, văn hóa, ngôn ngữ và khảo cổ). Ngay từ trong quá trình học thạc sĩ, Mead đã cộng tác chặt chẽ với giáo sư Boas, người hướng dẫn và tiến sĩ Benedict, người sau này trở thành bạn tâm giao tri kỷ của bà. Năm 1925, theo làn sóng của những nhà nhân học chân trần đương thời, bà chọn quần đảo Samoa làm điểm đến để thực hiện luận án tiến sĩ của mình. Khác với hai người thầy, bà không lựa chọn thổ dân da đỏ Mỹ làm đối tượng nghiên cứu. Và trong một thế giới bấy giờ bị chi phối bởi nam giới, bà quyết định lựa chọn nghiên cứu những cô gái tuổi thành niên ở Samoa. Tại đây, bà học ngôn ngữ bản địa của những người thổ dân Samoa, tham gia vào những hoạt động hằng ngày của các cô gái, lao động cùng với họ, chơi cùng họ, ăn uống cùng họ, nói khác, bà sống cuộc đời của họ. Chính nhờ sự tiếp xúc kề cận và trực diện này, bà mới có những quan sát thấu triệt và chi tiết về những cạnh khía của văn hóa Samoa. Qua đó, bà chứng minh ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa, được rọi chiếu lên sự phát triển tâm lý tính dục của cô gái người Samoa, và biểu kiến qua nhân cách của họ. Nhưng để trả lời câu hỏi “tại sao lại nghiên cứu người Samoa?” cần phải truy nguyên đến một lý do sâu xa hơn. Nó đến từ sự tồn hiện những vấn đề cấp bách ở chính nền văn minh hiện đại chúng ta. Tuổi mới lớn, tuổi dậy thì, hay tuổi thành niên, luôn là một độ tuổi đau đầu đối với không chỉ các bậc phụ huynh, mà cả xã hội. Những mầm mống căng thẳng và nổi loạn của độ tuổi này, liệu có xuất phát từ sự thay đổi sinh lý đơn thuần, hay do cả sự biến đổi về tâm lý? Các thiết chế văn hóa, cấu trúc xã hội, gia đình và trường học có gây ra ảnh hưởng lớn? Những câu hỏi trên là thách thức với các chuyên gia sư phạm, các nhà tâm lý học và nhân học. Xã hội phương Tây không phải là môi trường phòng thí nghiệm lý tưởng để nghiên cứu con người. Trong một bối cảnh văn minh phương Tây hiện đại với các điều kiện biến đổi không ngừng, xã hội đan xen nhiều giai tầng, các tư tưởng tôn giáo khác nhau, quá nhiều lựa chọn đau đầu, tồn tại cá nhân bị phân mảnh, để tách biệt một đối tượng để quan sát liên tục là bất khả đối với nhà nghiên cứu. Do đó, câu trả lời nằm ở những tộc người nguyên thủy có trình độ văn minh còn chưa phát triển. Cấu trúc xã hội-thị tộc giản đơn, sinh kế chỉ ở cấp độ hái lượm và trồng trọt, thế giới quan ngây thơ, một nền văn hóa tĩnh ít biến đổi, tạo nên sự tồn tại toàn vẹn chất phác của con người nguyên thủy. Không cần phải mất thời gian để quan sát cả vòng đời một con người, từ lúc sinh ra cho đến mất đi, vốn dĩ là điều bất khả thi, thay vào đó, quan sát những lát cắt con người đồng đại trong một văn hóa ít biến đổi có thể giúp đi đến những kết luận hợp lý. Cho đến đây, nghiên cứu về các cô gái Samoa của Mead không còn là những ghi chép dân tộc chí, mô tả đời sống hằng ngày đơn thuần. Nó đã trở thành một so sánh liên văn hóa. Bởi ngọn nguồn động cơ của bà, không phải chỉ là giới thiệu cho bạn đọc tới một nền văn hóa nguyên thủy xa lạ. Trái lại, bà sử dụng văn hóa Samoa và giáo dục của người Samoa để tương phản soi chiếu giáo dục của người hiện đại, từ đó rút ra những ưu điểm và biến chúng trở thành giải pháp để giải quyết vấn đề bức bách đang tồn tại. Cô gái tuổi thành niên ở Samoa, không phải chịu những áp lực và căng thẳng như cô gái tuổi thành niên chúng ta. Giai đoạn đáng lẽ đầy biến động này lại trôi qua với cô đầy êm ả. Thậm chí, cô gái Samoa còn trì hoãn hôn nhân để kéo dài thời gian tận hưởng tình ái, trong khi cô gái chúng ta lại đau đầu với những lựa chọn nghề nghiệp, hôn nhân, gia đình. Đáp án của Mead nằm ở hai chữ lựa chọn. Người Samoa không gặp rắc rối với lựa chọn, bởi họ chỉ có một lựa chọn duy nhất. Còn ở con người hiện đại chúng ta, có hằng hà những lựa chọn, nhưng không được tự do lựa chọn nó. Trong tác phẩm đã được chuyển ngữ này, dịch giả giữ nguyên phần phụ lục. Có thể các thông tin đã trở nên lạc hậu và không còn đúng với bối cảnh hiện tại, nhưng thao tác chính xác và nghiêm cẩn của nó vẫn còn nguyên vẹn giá trị tham khảo. Bởi ngoài sự cẩn trọng và kỹ lưỡng trong việc triển khai phương pháp nghiên cứu cũng như xử lý kết quả, Mead còn cho thấy một hiểu biết trong lựa chọn phương pháp và óc tư biện tinh tế. Trước một dữ liệu hoàn toàn không thể xử lý và phân tích chính xác thông qua nghiên cứu định lượng, như tâm lý và phản ứng cảm xúc, bà lựa chọn khái quát hóa dựa trên sự quan sát cẩn thận và chi tiết một nhóm đối tượng nhỏ, phù hợp với phạm vi nghiên cứu ở Samoa. Không chỉ là một trong những công trình nhân học đầu tiên nghiên cứu theo phương pháp thực địa, Tuổi trưởng thành ở Samoa còn là tác phẩm, có thể nói là đầu tiên, nghiên cứu về nữ giới. Để kết thúc, tôi muốn đề cập đến cái nhất thứ hai của Tuổi trưởng thành ở Samoa, bởi nó là cuốn sách nhân học thuộc hàng bestseller và được đọc nhiều nhất thế kỷ trước. Điều nay có lẽ do bước ngoặt mang tính cách mạng của nó, là tiền đề cho các công trình nữ quyền sau này. Đọc tác phẩm, ngoài sự chặt chẽ chính xác của kiến giải khoa học, Mead sẽ dẫn lối bạn đọc đến với đời sống đầy chất thơ của người dân đảo Samoa, qua lời văn đậm chất tự sự và mộng mơ.
Đỗ Lai Thuý - Lời giới thiệu cho cuốn: Tuổi trưởng thành ở Samoa
Tác giả: Margaret Mead
Chuyển ngữ: Phạm Minh Quân
Nxb Thế Giới
Nhận xét đánh giá