-
174/3 Điện Biên Phủ, P17, Bình Thạnh, TP. HCM
- Hotline: 028 66 832 872
174/3 Điện Biên Phủ, P17, Bình Thạnh, TP. HCM
Miễn phí bao sách - Ghi chú ở phần đặt hàng
Sách tri thức và học thuật
Giao hàng trên toàn quốc
Sưu tầm sách quý, sách cổ
Ấn bản bìa mềm, bìa cứng, bìa da
Tuồng Hát Cải Lương - Khảo và Luận
Tác giả: Nguyễn Phúc An
Nhà xuất bản: Tổng Hợp Tp HCM
Kích thước: 16x24cm
Số trang: 616
Loại bìa: Bìa mềm
Hai thập niên 1955 - 1975 được coi là thời hoàng kim của bộ môn cải lương tại miền Nam với sự xuất hiện của một lớp nghệ sĩ mới, mỗi người có một phong cách diễn xuất và giọng ca độc đáo riêng mà sau này báo giới gọi là “thế hệ vàng” của cải lương. Song song với những nghệ sĩ này, chúng ta không thể quên đến sự đóng góp của một đội ngũ soạn giả hùng hậu gồm các vị như Năm Châu, Viễn Châu, Tư Chơi, Tám Vân, Nhị Kiều, Thái Thụy Phong, Kiên Giang, Ngọc Văn, Vạn Lý, Duy Lân, Nguyễn Phương, Thiếu Linh, Ngọc Linh, Hương Sắc, Thu An, Quy Sắc, Hà Triều - Hoa Phượng, Loan Thảo, Yên Lang, Thế Châu... Bên cạnh các soạn giả của sân khấu cải lương này còn có các soạn giả viết cho các ban cải lương của đài phát thanh như các soạn giả Thành Công của ban Thành Công, Bảy Quới của ban Cửu Long, Lệ Liễu của ban Hương Việt hoặc các soạn giả khác như Tư Chơi, Kiên Giang... viết tuồng cho ban Hương Nam do nghệ sĩ Kim Nguyên làm trưởng ban v.v... Các ban cổ nhạc này phát thanh mỗi tuần 2 hoặc 3 lần trên đài phát thanh, đa số là các tuồng cải lương nhưng đôi khi có thay bằng chương trình đờn ca tài tử. Tuy được coi là “thời hoàng kim” với nhiều nghệ sĩ, soạn giả tài danh đã ghi lại dấu ấn vàng son của bộ môn cải lương trong hai thập niên này nhưng chúng ta chỉ có một số rất ít bổn tuồng đã được in còn rải rác đâu đó trong tay các nhà sưu tầm hoặc một vài bổn trong thư viện, nhưng bù lại, chúng ta may mắn còn lại khá nhiều băng, dĩa đã được thu trong thời kỳ này để cho những ai quan tâm đến tuồng tích có thể ghi chép lại.
Riêng với những bổn tuồng trong thời kỳ đầu của bộ môn cải lương mới thành hình, nếu chúng ta muốn tìm kiếm thì khá khó khăn vì dĩa hát tuy có nhưng rất ít và chất lượng âm thanh nghe không rõ vì kỹ thuật thu âm chưa được tốt, còn sách in thì cũng có nhưng chỉ còn một số ít ở trong tay của các nhà sưu tầm sách cũ hoặc ở thư viện. Để bổ túc cho sự khan hiếm này, Nguyễn Phúc An đã sưu tầm được 173 bổn tuồng và bài ca để giới thiệu trong cuốn "Tuồng bát cải lương khảo & luận" này. Tác giả đã dày công biên soạn mục “Đề yếu” (Summary) cho 173 tựa đề bao gồm các bổn tuồng và các tập bài ca thuộc về bộ môn cải lương đã được xuất bản từ năm 1921 đến năm 1931, “thư tịch chú giải” (annotated bibliography) này là một cống hiến hữu ích cho những ai muốn nghiên cứu về diễn tiến của các vở tuồng sân khấu cải lương và các bài ca trong trong thập niên 1921 - 1931.
[...]
- Nguyễn Tuấn Khanh
-----
Chuyên luận này chia ra làm hai phần: "Phần khảo & luận"; "Phần đề yếu".
Trong "Phần khảo & luận", tập trung thảo luận những vấn đề về cải lương như “cải lương” là gì, tại sao phải cải lương rồi thành ra nghệ thuật sân khấu cải lương? Cái sự tích để cải lương ra đời. Những hiểu lầm về “ca ra bộ”, “ca thay phiên, “hát chập” và “hát chặp”. Thời kỳ đầu, tên gọi của những thuật ngữ chuyên dùng cho cải lương là gì, có giống như chúng ta hiện nay đang sử dụng không? Chúng ta biết gì về “cải lương Nam Kỳ”, “cải lương Bắc Kỳ” hay là “nói lối”, về bài bản của cải lương trong thuở ban đầu này như thế nào? Đồng thời, ngoài những thiên nhạc sử viết về lịch sử cải lương của ông Trần Văn Khải, ông Vương Hồng Sển ta còn có thiên nhạc sử "Phong trào cải lương (1917 - 1927)" của Lê Thương mà hầu như bị giới nghiên cứu lãng quên không xét đến. Qua xem xét người viết thấy mảnh sử liệu này cũng góp phần hữu ích cho chúng ta là những người quan tâm đến cải lương hay lịch sử của cải lương nên biết, người viết xin trích lục toàn bộ thiên nhạc sử bị lãng quên đó để góp phần cống hiến tư liệu cho người đọc. Đồng thời, xuất phát từ góc độ nghiên cứu văn bản văn học, thảo luận đôi điều để góp phần khơi dậy tính quan trọng của văn bản bổn tuồng cải lương, cho thấy bản thân bổn tuồng cũng là một thể tài văn học cần được tiếp cận nghiên cứu như là một đối tượng nghiên cứu văn học, bên cạnh nghiên cứu cải lương.
Trong "Phần đề yếu", chủ yếu khảo sát trực tiếp trên bổn tuồng cải lương đã xuất bản về lai lịch soạn giả, nhà in, năm in, nội dung cốt truyện, mà đặc biệt là hệ thống bài bản được soạn giả sử dụng để viết tuồng hát cải lương, qua đó cho thấy thủ pháp nghệ thuật âm nhạc của soạn giả viết tuồng cải lương, cũng phản ánh được thị hiếu của người coi hát cải lương thích nghe loại bài bản nào, có giống với những tuồng hát cải lương sau này mà chúng ta biết hiện giờ không. Khoảng 200 bổn tuồng ra đời trong 10 năm đầu này, mong mỏi sẽ có dịp được chỉnh lý để xuất bản đến tay độc giả và giới nghiên cứu, để đối tượng nghiên cứu có cơ hội tiếp cận với giới nghiên cứu, nhiều người tiếp cận nghiên cứu thì góc độ sẽ đa dạng hơn, sẽ nhìn ra được nhiều khía cạnh, vấn đề khách quan hơn là một người.
-Tác giả Nguyễn Phúc An
Nhận xét đánh giá