Trong truyền thống học thuật Kitô giáo, môn siêu hình học nghiên cứu ba đối tượng hữu thể: Thiên Chúa (Thần lý học, theodicy), Con Người (Triết nhân học, an thropology) và Vũ Trụ (Vũ trụ luận, cosmology). Hạn từ “cosmos” tiếng Hy-lạp mang ý nghĩa vẻ đẹp, mỹ thuật hay sự trang điểm (gốc của “cosmetic”). Tương tự, từ “universe” là do hai chữ Latin “unum” và “vertere ghép lại, nói về một hệ thống duy nhất. Vũ trụ được hiểu như là một đối tượng khả niệm và có mục đích, qua đó con người có thể nhận ra bản chất của thực tại và thân phận của mình. Các nhà vũ trụ luận Hy-lạp cổ đại đưa ra nhiều giả thuyết để giải thích về bản chất của vũ trụ mà không nại đến thẩm quyền tôn giáo hay thần thánh. Họ thay thế chuyện thần thoại bằng luận lý biện chứng, dựa trên các quan sát của mình rồi xoáy sâu về căn nguyên của vũ trụ. Như thế, vũ trụ luận đánh dấu sự chuyển hướng đầu tiên trong lịch sử tư duy của con người về thiên nhiên. Vũ trụ luận đưa ra một luận đề khoa học, dùng “logos” thay vì “mythos” để giải thích “arche” của vũ trụ.
Trong suốt thời Cổ Đại và Trung Đại, không có sự phân biệt rõ ràng giữa triết học thiên nhiên và khoa học tự nhiên. Aristotle viết cuốn “Meta-physics” (Siêu hình học) để giải thích các nguyên lý của hữu thể biến dịch vốn là chủ đề của cuốn “Physics” được viết trước đó. Thánh Augustine xem “cosmos” như một hệ thống hay trật tự huy hoàng (slendor ordinis) vốn lỗi cuốn sự đam mê của con người về cái đẹp. Bắt đầu từ thời Phục Hưng và Khai Sáng, đối tượng nghiên cứu của cả hai bộ môn vẫn là thế giới vật chất, nhưng có sự phân biệt về phương pháp nghiên cứu. Khoa học tự nhiên áp dụng phương pháp thực nghiệm, giả định sự tồn tại của vật chất như là hiển nhiên, tìm các quy luật chung để mô tả và tiên đoán sự biến dịch trong thế giới vật chất và nhắm vào các yếu tố lượng tính để giải thích sự thay đổi nơi các hữu thể vật lý. Triết thiên nhiên dùng logic phân tích tiên nghiệm của siêu hình học, truy vấn nguồn gốc, bản chất và cùng đích của hữu thể, khai triển các yếu tính và giới hạn của vũ trụ, và chú tâm đến sự khác biệt phẩm tính giữa các cấp bậc tồn tại.
Cuốn sách này sẽ tìm hiểu thế giới vật lý theo ba phần. Phần A lược qua nền tảng của triết học thiên nhiên như lịch sử suy tư triết học về vũ trụ và khung siêu hình được dùng để xác định bản chất và phạm vi của triết học thiên nhiên. Phần B khảo sát các yếu tính của hữu thể vật lý: tính bất tất & lượng tính, tính biến dịch & không-thời gian tính, và tính khởi nguyên tính cứu cánh. Với các yếu tính này, chúng ta sẽ cố gắng trả lời các vấn nạn: có cần Thiên Chúa để giải thích cho sự tồn tại của thế giới vật chất không? Phần C gồm các bài đọc thêm, nghiên cứu sâu rộng hơn về các chủ đề: tương quan giữa tôn giáo và khoa học, tương quan giữa hữu thần luận và các ngành vũ trụ học vật lý, sinh học tiến hóa, và khoa học tinh thân. Hy vọng giáo trình này sẽ giúp mở rộng các giả định của chúng ta về thế giới vật chất và biến dịch.
Nhận xét đánh giá